Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông sẽ khó lường tránh nguy hiểm

Vào cuối tháng 11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM tổ chức hội thảo về mũ bảo hiểm cho trẻ em: “Thực trạng và giải pháp”.
Ý thức chưa cao, xử phạt chưa nghiêm
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm nước ta có khoảng 1.200 người tử vong, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó trẻ em chiếm đến 35%. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ tử vong vì TNGT do không đội mũ bảo hiểm (MBH) ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của nhiều người chưa cao.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó phòng GD tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, nhiều phụ huynh (PH) đưa đón con đi học mà không chịu đội MBH cho các em. Nếu có thì cũng chỉ mang tính đối phó như treo mũ trước xe, thấy cảnh sát giao thông (CSGT) mới dừng lại đội mũ cho con. Có nhiều lý do để các bậc PH biện hộ cho việc không tuân thủ Luật ATGT của mình như nhà gần, mang mũ vướng víu hay trên lớp không có chỗ để, sợ mất thậm chí một số PH còn lo lắng trẻ có thể bị ảnh hưởng cột sống khi đội MBH…
Theo ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên chuyên trách Ban ATGT TP.HCM: “Hình ảnh các em học sinh (HS) đi xe đạp, xe gắn máy “túm năm, tụm ba” ở lòng lề đường, đi sai phần đường, đi dàn hàng ngang, đùa nghịch xuất hiện rất nhiều. Thậm chí có em còn nhấc đầu xe trước, chạy bằng một bánh sau. Thế nhưng CSGT thường du di cho đi hay khiển trách nhẹ mà không xử phạt. Việc làm này đã phần nào khiến HS “nhờn” luật”.
TNGT biến nhiều người thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Nhiều người may mắn thoát chết nhưng phải chịu nhiều di chứng thương tật nặng nề. Trẻ em trong độ tuổi 1-14 bị TNGT thường do người lớn đi xe gắn máy chở. Và đa số các ca tử vong do TNGT thuộc nhóm 15-18 tuổi là người đi xe gắn máy.
Từ trước đến nay, TP.HCM được đánh giá là nơi triển khai mạnh việc giáo dục Luật ATGT trong trường học nhằm nâng cao ý thức cho HS. Song kết quả thu về chưa thực sự lớn. Ông Trần Quốc Hùng chia sẻ: “Giáo dục Luật ATGT hiện còn mang tính chung chung, chưa cụ thể. Việc thực hiện lồng ghép 6 bài học về giao thông vào môn giáo dục công dân ở bậc tiểu học tương đối tốt. Trong khi đó, bậc trung học cơ sở lại giãn dần ra, còn bậc trung học phổ thông vẫn theo phong trào Đoàn Đội, chưa đi đến đâu cả”.
Đẩy mạnh việc giáo dục trong nhà trường
Trong tình hình hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các em HS quan trọng hơn bao giờ hết. Bà Huỳnh Thị Kim Trang nhấn mạnh: “Nhà trường đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc đội hay không đội MBH cho HS thông qua quá trình giảng dạy. Chúng ta cần thực hiện việc này ở cả bậc mầm non”. Cụ thể, trong chương trình giảng dạy, giáo viên (GV) cần lồng ghép những hình ảnh về TNGT ở trẻ do không đội MBH để các em tự trang bị những kỹ năng bảo vệ bản thân bằng việc chấp hành Luật ATGT. Nên tạo điều kiện để trẻ có thể thực hành lí thuyết thông qua các cuộc thi vẽ tranh về ATGT; đóng kịch, trang trí MBH hay đi thực tế. GV cũng có thể tận dụng các tiết sinh hoạt dưới cờ xây dựng tiểu phẩm hoạt cảnh về ATGT cho HS tham gia. Trong mỗi lớp học nên có chỗ giữ MBH an toàn GV cần hướng dẫn HS để MBH đúng cách và đúng nơi quy định. Và hơn hết, “Các trường nên tăng cường các chương trình giáo dục Luật ATGT cho HS”.
Thời gian qua, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP đã thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông cho HS. Điển hình như Trường Tiểu học Phước Long (Q.9), ngoài việc sử dụng hiệu quả giáo trình điện tử ATGT “Nhấp chuột an toàn” vào lớp 1 và tặng 520 chiếc MBH do Quỹ thương vong và Công ty Intel Việt Nam tài trợ cho HS, trường còn xây dựng góc ATGT với những bộ đèn tín hiệu mô phỏng ngã tư đường phố, giúp các em có điều kiện thực hành kiến thức. Song song với quá trình giáo dục HS, việc tuyên truyền mạnh đến các bậc PH cũng cần được đẩy mạnh. Đây là đội ngũ quan trọng bởi lẽ nếu như HS chưa nhận thức được vấn đề mà PH tỏ ra thờ ơ thì kết quả không mấy khả quan. PH có ý thức, HS sẽ noi gương. Việc PH thường xuyên nhắc nhở giúp hình thành thói quen cho HS.
Bên cạnh đó, thành phần đóng vai trò không nhỏ trong việc giáo dục HS là đội ngũ CSGT. Tới đây, lực lượng CSGT sẽ nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng HS chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn… giúp HS hình thành ý thức chấp hành Luật ATGT khi tham gia giao thông.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Các chuyên gia y tế khẳng định, đội MBH chất lượng, đúng quy cách giúp giảm 69% nguy cơ chấn thương vùng đầu, giảm 42% nguy cơ tử vong. Việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết vì nó không chỉ đảm bảo an toàn mà còn tạo nền nếp, ý thức chấp hành luật lệ giao thông.
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)