Tại TP.HCM, giáo dục STEM đang được nhiều trường tiểu học mạnh dạn triển khai, mang lại sự ham thích cho học sinh khi học tập…
TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM ở tiểu học
Học sinh ham thích khi trường mạnh dạn
Tại TP.HCM, từ năm 2018, việc triển khai dạy học theo định hướng giáo dục STEM đã được nhiều cơ sở giáo dục mạnh dạn tổ chức theo nhiều hình thức như: xây dựng câu lạc bộ; lồng ghép trong các môn học; phối hợp với đơn vị triển khai với thỏa thuận cùng phụ huynh…
Riêng ở bậc tiểu học, thực tiễn triển khai cho thấy, giáo dục STEM đã hỗ trợ hoạt động đổi mới giáo dục tại các cơ sở giáo dục, phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh, đưa việc học gắn với thực hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng những kiến thức học sinh được học.
Tiết học khoa học lớp 5/3, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) mới đây với bài học Lắp mạch điện đơn giản được thực hiện theo định hướng giáo dục STEM khiến học sinh vô cùng thích thú. Không còn là các kiến thức lý thuyết đơn thuần, trong tiết học học sinh được tham gia thiết kế mô hình xe ô tô chạy bằng năng lượng điện từ chính kiến thức về cấu tạo, nguyên lý hoạt động mạch điện thắp sáng và động cơ ô tô trong bài học…
“Hình thức học tập gắn liền với thực hành qua phương pháp giáo dục STEM đã mang đến sự hào hứng cho học sinh, vì các em được trực tiếp thực hành, trải nghiệm, lĩnh hội và học hỏi kiến thức bài học. Một mô hình xe được đánh giá là hoàn thiện khi đạt các tiêu chí xe chạy được đến đích, xe chở được vật liệu nặng… Qua mỗi mô hình, các nhóm có thể có những thành công khác nhau, có nhóm có thể chưa được hoàn thiện nhưng từ chính điều đó các em rút ra được kiến thức bài học, để hiểu và ghi nhớ, đề xuất được các phương án để cải tiến sản phẩm tốt, thẩm mỹ, có ứng dụng trong cuộc sống”, thầy Vương Quốc Tấn Thi – giáo viên đứng lớp chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học hào hứng, thích thú với mô hình STEM trong tiết học
Ngoài ra, theo thầy Thi, bên cạnh kiến thức được tiếp cận, qua phương thức giáo dục theo định hướng STEM học sinh còn được rèn luyện các kỹ năng như tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng tư duy độc lập, kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng tranh luận phản biện, kỹ năng giao tiếp hợp tác, đánh giá đồng đẳng…
“Quan trọng nữa là phương pháp này hỗ trợ giáo viên thực hiện đổi mới giáo dục, giúp giáo viên đạt được mục tiêu giáo dục học sinh mà Chương trình GDPT 2018 đề ra ở các khối lớp”, thầy Thi bày tỏ.
Trong khi đó, thông qua các câu lạc bộ như robotics, khoa học kỹ thuật.., nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã từng bước đưa giáo dục STEM vào nhà trường, tiếp cận với học sinh với sự đồng thuận của phụ huynh, nâng cao thêm chất lượng và hiệu quả giáo dục nhà trường…
“Trong năm học này, trường tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo nhu cầu của phụ huynh học sinh, sau mỗi buổi học, nhiều học sinh ở lại sinh hoạt theo các câu lạc bộ. Các câu lạc bộ theo định hướng giáo dục STEM luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia, các em rất thích thú khi được áp dụng chính kiến thức trên lớp để thiết kế các sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tế”, cô Phạm Thị Thùy Trang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Bình (TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Đẩy mạnh toàn thành phố, có kiểm tra đánh giá
Về việc tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở bậc tiểu học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, từ năm học 2023-2024 TP.HCM sẽ triển khai STEM một cách bài bản hơn, có kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, trong học kỳ 1 năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm việc tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục tiểu học ở 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố, bao gồm: quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình và huyện Hóc Môn. Trong đó, mỗi phòng giáo dục sẽ lựa chọn ít nhất 5 trường tiểu học tham gia thí điểm theo nguyên tắc chọn đa dạng về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh. Việc triển khai đại trà giáo dục STEM ở tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ được thực hiện từ học kỳ 2 năm học 2023-2024 sau tổng kết, đánh giá giai đoạn thí điểm.
Thông tin cụ thể về việc triển khai giáo dục STEM tiểu học trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024, ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin, các trường tiểu học sẽ triển khai STEM thông qua 3 hình thức: Bài học STEM – tích hợp vào các nội dung bài học trong Chương trình GDPT; Hoạt động trải nghiệm STEM; Làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Trong đó, bài học STEM được xây dựng dựa trên thời lượng các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan đến bài học một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh, không gây quá tải cho học sinh và giáo viên, được thể hiện trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Khuyến khích giáo viên sử dụng tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, thực tế ảo dễ dàng truy cập trong và ngoài lớp học. Hình thức triển khai này sẽ có kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định của Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.
Với hình thức hoạt động trải nghiệm STEM, sẽ được tổ chức qua câu lạc bộ STEM, ngày hội STEM, dự án học tập STEM, hoạt động trải nghiệm STEM tại các địa điểm phù hợp với mục tiêu, sở thích, năng khiếu, nguyện vọng của học sinh. Không gian, thời gian thực hiện có thể vượt ra ngoài không gian nhà trường, ngoài thời gian môn học/ hoạt động giáo dục, nhưng phải tuân thủ các quy định về tổ chức các hoạt động trải nghiệm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Đối với hoạt động làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, ông Quốc cho hay đây là hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM dành cho các học sinh có năng khiếu, sở thích, hứng thú, bắt đầu tìm tòi, tiếp cận với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc học sinh, dựa trên cơ sở năng lực và hứng thú của học sinh, không gây áp lực, quá tải cho học sinh.
“Các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường có tích hợp giáo dục STEM linh hoạt, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, học sinh, phụ huynh; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM. Tổ chức giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn giáo dục STEM. Riêng việc xây dựng câu lạc bộ STEM và thời gian hoạt động cần sắp xếp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương…” – ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.
Khương Yến
Bình luận (0)