Sự kiện giáo dụcTin tức

Đẩy mạnh hoạt động công đoàn khối trường ngoài công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 15-5-2012, Đoàn công tác của Công đoàn (CĐ) Giáo dục (GD) Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT và CĐ ngành GD TP.HCM.
Theo báo cáo, tính đến nay toàn ngành GD-ĐT TP.HCM có 84.366 CB, GV, NV, trong đó nữ là 64.646 người. Tổng số CĐ cơ sở là 1.539 với 75.188 CĐ viên. Trong những năm qua, CĐ ngành và các CĐ cơ sở đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho đội ngũ CB, GV, NV. Đơn cử như trợ cấp cho các CB, GV, NV điều trị ốm đau, tai nạn; hỗ trợ GV nghèo ở ngoại thành vui Tết; xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho GV, NV ở các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh; hỗ trợ sửa nhà công vụ cho GV Trường THPT Phước Kiển, Nhà Bè…
“Hoạt động chăm lo và tự chăm lo cho đội ngũ CB, GV, NV không chỉ diễn ra ở khu vực trường công lập mà cả khu vực trường ngoài công lập (NCL)”, ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch CĐ ngành GD TP.HCM khẳng định.
Không phải ngẫu nhiên mà các trường NCL cũng tham gia vào những hoạt động của CĐ ngành. Đó là cả một quá trình đi kiểm tra, nhắc nhở, giúp đỡ và cả “năn nỉ” các chủ trường để họ đồng ý thành lập CĐ cơ sở.
“Chủ trương của ngành GD-ĐT TP là đẩy mạnh việc phát triển CĐ cơ sở tại khu vực trường NCL. Hàng năm đều có đi kiểm tra, đánh giá tại những đơn vị này. Qua đó động viên, giúp đỡ các trường thành lập CĐ. Vì vậy, mỗi năm số trường NCL thành lập CĐ đều tăng lên. Theo đó, đội ngũ người lao động ở đây cũng được quan tâm hơn”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết.
Sự quan tâm tới người lao động tại các đơn vị NCL được thể hiện rõ nét nhất là việc ký kết nghị quyết, thỏa ước lao động tập thể. Từ chỗ chỉ có 30-40% trường NCL xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, ký kết thỏa ước lao động nay đã tăng lên khoảng 90%.
Quyền lợi của người lao động tại các trường NCL được đảm bảo. Do vậy, mâu thuẫn giữa chủ trường và đội ngũ GV, NV cũng không còn. “Điều này đã tạo điều kiện cho các trường NCL ổn định và phát triển. Qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành GD-ĐT TP.HCM”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.
Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động CĐ tại các trường NCL đã hết khó khăn. Ông Bùi Văn Nam, Phó chủ tịch CĐ ngành GD TP.HCM cho biết: Đa số các trường NCL chỉ ký hợp đồng với người lao động trong thời gian dưới 12 tháng. Theo chủ trường, một năm học chỉ có 9 tháng, còn 3 tháng nghỉ hè nên họ không thu được học phí và không thể trả lương cho GV, NV.  Hậu quả là 3 tháng hè, người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Thậm chí, nguy cơ mất việc sau thời gian nghỉ hè cũng rất cao. Bởi, vào năm học mới, chủ trường có thể mời người lao động tiếp tục làm việc hoặc không. Sau một thời gian tích cực làm việc với các chủ trường, tình hình này đã có chuyển biến.
Ông Phạm Văn Thanh, Phó chủ tịch CĐGD Việt Nam đánh giá cao những việc đã làm được của CĐ ngành GD TP.HCM, đặc biệt là việc đẩy mạnh hoạt động CĐ tại các trường NCL. Và ông cũng cho biết: “Sau khi đi kiểm tra, đánh giá hoạt động CĐ tại 4 cơ sở GD NCL (gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường phổ thông (THCS và THPT) và 1 trường trung cấp), chúng tôi thấy các đơn vị hoạt động rất tốt, cần được nhân rộng”… Dịp này, CĐ ngành GD TP.HCM cũng đề nghị CĐ ngành GD Việt Nam tặng cờ thi đua.
Hòa Triều

Bình luận (0)