Nhằm giúp học sinh kích thích tư duy sáng tạo, khám phá và phát huy tiềm năng cá nhân thông qua các hoạt động thực hành, khuyến khích sự đổi mới và linh hoạt trong học tập cũng như trong cuộc sống, nhiều trường học ở Đà Nẵng tổ chức hoạt động giúp học sinh tiếp cận với giáo dục STEM.
Học sinh làm quen với giáo dục STEM
Nhằm tạo sân chơi cho học sinh tiếp cận với giáo dục STEM thông qua các hoạt động trực quan, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) tổ chức chương trình tập huấn kéo dài trong 4 ngày với nhiều nội dung: Tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM và cách tiếp cận sáng tạo cho học sinh THCS; thực hành và trải nghiệm các mô hình STEM liên quan đến cơ khí và kỹ thuật; hoạt động nhóm và thảo luận về việc ứng dụng STEM trong thực tiễn; tổ chức Cuộc thi thiết kế và sáng tạo sản phẩm STEM với chủ đề “Thiết kế bánh xe mơ ước”.
Em Nguyễn Đức Hưng, học sinh lớp 8/1 chia sẻ: “Với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, em và các bạn được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực STEM. Đây là cơ hội để em được trải nghiệm các công nghệ, ứng dụng mới, kích thích niềm đam mê khám phá và học hỏi của bản thân. Thông qua các hoạt động thực hành, thiết kế sản phẩm, chúng em còn được rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích, sáng tạo. Sự truyền cảm hứng từ các thầy cô giáo ở trường ĐH giúp chúng em hình dung rõ hơn về con đường theo đuổi khoa học – công nghệ; những trải nghiệm tại cuộc thi không chỉ nâng cao kiến thức mà còn giúp em tự tin hơn”.
Thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: “Thông qua sự hướng dẫn, huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia, các em học sinh đã được nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình. Các em được định hướng, tạo động lực và truyền cảm hứng để theo đuổi các lĩnh vực STEM trong tương lai. Sự phối hợp giữa trường ĐH và trường THCS tạo ra mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thúc đẩy chuyển giao kiến thức và kỹ năng. Góp phần xây dựng hệ thống giáo dục STEM liên thông, từ bậc trung học đến ĐH”.
PGS.TS Nguyễn Lê Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật nhìn nhận: “Chương trình nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, tự sáng tạo và tư duy để giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn. Thông qua ngày hội, cuộc thi STEM khơi dậy được niềm đam mê với khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và kỹ năng làm việc nhóm đối với mỗi học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong; đồng thời cuộc thi STEM là nơi phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng khoa học, công nghệ từ học sinh THCS, THPT. Những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các em học sinh có thể trở thành nguồn động lực và định hướng để theo đuổi con đường phấn đấu trở thành những sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai”.
Sân chơi sáng tạo cho học sinh phổ thông
Năm học 2024-2025 là năm thứ 7 liên tiếp, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi U-invent dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc. Vòng thi giải pháp thu hút 26 đề tài của hàng trăm bạn học sinh trên cả nước tham gia. Cuộc thi không chỉ tiếp tục tạo ra một sân chơi phát triển khả năng, tư duy sáng tạo mà còn khơi dậy trong lòng mỗi bạn trẻ tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Với chủ đề “Sáng tạo vì một tương lai an toàn hơn – Innovation For a Safer Future” là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thành phố lành mạnh cho thanh thiếu niên”, một dự án được UNICEF Việt Nam triển khai nhằm hỗ trợ phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố lành mạnh, năng động và thân thiện với trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, người sáng lập cuộc thi U-Invent: “Đây không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh để học sinh phát huy khả năng sáng tạo số, sáng tạo vì cộng đồng, cuộc thi còn là bệ phóng để nhiều giải pháp được hiện thực hóa, đưa vào cuộc sống, góp phần xây dựng tương lai an toàn. Những dự án sẽ hướng tới giải quyết các thách thức nghiên cứu thử thách con người (Human Challenge)”.
Năm học trước đó, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh cùng với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho các giáo viên một số trường THPT trên địa bàn về giáo dục STEM. Những trải nghiệm thực tế trong dạy học, các thầy cô giáo đã cùng thực hành xây dựng bài giảng, thiết kế và giảng dạy môn học STEM với phương pháp “học theo dự án”. Đây cũng chính là tiền đề để các giáo viên thay đổi công cụ và phương pháp đào tạo giúp học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Hùng, việc liên kết với các cơ sở giáo dục ĐH với các trường THCS, THPT để đào tạo STEM là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; cùng với đó việc sử dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên có trình độ cao nói chung để hỗ trợ, phối hợp đào tạo STEM là một định hướng mới của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.
Không những tạo cơ hội cho các em học sinh THCS tiếp cận và phát triển kiến thức, kỹ năng STEM, các hoạt động thi đấu và tham gia cuộc thi STEM giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức STEM vào thực tiễn, nâng cao tư duy logic, sáng tạo. Tiếp cận với công nghệ và các ứng dụng mới, kích thích niềm đam mê khoa học và công nghệ. Với định hướng phát triển trở thành địa điểm, không gian gắn kết doanh nghiệp, trường ĐH và địa phương trong việc đào tạo nhân lực, tư vấn công nghệ và giáo dục STEM, nhà trường đã xây dựng, triển khai kế hoạch hiện thực hóa định hướng phát triển này trong thời gian tới.
Hàn Giang
Bình luận (0)