Ông Christian Kaufholz, Giám đốc Chương trình hợp tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế là sự gia tăng đáng kể về tiêu dùng, kéo theo rác thải nhựa cũng gia tăng.
Với những sáng kiến hợp tác mạnh mẽ nhằm giải quyết các thách thức từ nhựa, Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới tích cực xử lý tác động của nhựa giúp hành tinh phát triển bền vững hơn, tạo công ăn việc làm cho người lao động liên quan trong lĩnh vực này.
Năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình hợp tác hành động toàn cầu về nhựa và Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa (NPAP). Theo Bộ TN-MT, kể từ tháng 2-2020, bộ cùng 30 doanh nghiệp đã tiên phong ký kết Sáng kiến hợp tác công – tư trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa, nhằm quản lý vòng đời sản phẩm, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
Đến nay, các bên đã thu gom, tái chế hơn 25.000 tấn rác thải nhựa, cải thiện đời sống cho hơn 2.500 lao động và triển khai truyền thông phân loại rác tới gần 12 triệu người dân.
Để có thể phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Bộ TN-MT khuyến khích tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các công nghệ tái chế hiện đại hơn, hiệu quả hơn, mang tính hệ thống nhằm cải thiện vấn đề thu gom rác và đẩy mạnh công tác thực hiện phân loại rác tại nguồn.
HÀ VĂN (theo SGGP)
Bình luận (0)