Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đẩy mạnh kết nối vùng, phát triển hạ tầng giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, thiếu vắng các công trình có tính lan tỏa, Chính phủ cần tiếp tục hiện thực hóa chủ trương quy hoạch liên kết và thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, hàng loạt ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tập trung mổ xẻ giải pháp tăng cường kết nối vùng và phát triển nhanh, bền vững các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Đồng thời, các đại biểu cũng thay mặt cử tri bày tỏ nguyện vọng nhà nước tích cực xử lý các vấn đề giao thông thông qua thúc đẩy huy động, giải ngân vốn đầu tư.
Sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ lập quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017 và nêu các giải pháp để đến năm 2022, cơ bản hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc lập các quy hoạch hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng và thừa nhận việc triển khai còn chậm bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. "Chúng ta lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp và chưa bao giờ làm quy hoạch tổng thể. Do vậy, năng lực tư vấn, kiến thức của các cơ quan còn chưa theo kịp, số lượng nhiều và làm đồng thời, tiếp cận từ trên xuống và dưới lên khiến cách hiểu và thực hiện còn khó" – Bộ trưởng phân trần.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho hay đến nay, bộ đã xây dựng xong khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng. Từ đó, các địa phương, bộ – ngành dựa trên khung định hướng này có thể triển khai, lập các quy hoạch của ngành, địa phương mà không nhất thiết chờ xong quy hoạch cấp trên rồi mới lập quy hoạch cấp dưới. "Hiện có 19/38 quy hoạch ngành, 20/63 quy hoạch tỉnh đã hoàn thành. Thủ tướng đã có 2 nghị quyết về vấn đề này và yêu cầu tất cả các quy hoạch từ quốc gia đến quy hoạch ngành, vùng phải hoàn thành trước ngày 21-12-2022. Bộ KH-ĐT đang tích cực đôn đốc các địa phương, bộ – ngành bảo đảm tiến độ" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Liên quan đến thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng và mô hình tổ chức quản lý, điều phối phát triển vùng. "Giai đoạn trước, chúng ta đã có những đồ án quy hoạch vùng, có các ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng nhưng hiệu quả hoạt động còn rất khiêm tốn, dẫn đến tình trạng có quy hoạch vùng nhưng mạnh địa phương nào thì địa phương đó phát triển, không có sự tương hỗ, chia sẻ, phát triển thiếu liên kết" – đại biểu Luận nêu thực tế và đề nghị bên cạnh lập quy hoạch vùng, cần có cơ chế, chính sách và mô hình cơ quan quản lý, kiểm soát phát triển vùng với sự tham gia của các địa phương.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông 
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) nêu quan điểm để phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả vốn vay nước ngoài. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa và phải coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cả vùng. Trong đó, ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện tuyến cao tốc Quốc lộ 3 kết nối TP Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng; tuyến Quốc lộ 1B kết nối tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thái Nguyên.
Đẩy mạnh kết nối vùng, phát triển hạ tầng giao thông - Ảnh 1.
Cao tốc La Sơn – Túy Loan, đoạn qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ tiếp tục hiện thực hóa chủ trương quy hoạch liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đang xuống cấp, các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long đang chậm tiến độ" – đại biểu Trang nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp hữu hiệu để đầu tư, tăng cường kết nối vùng, địa phương và phát triển nhanh, bền vững các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Ngoài ra, tăng cường quản lý đô thị, tích cực xử lý các vấn đề giao thông, môi trường và rác thải đô thị. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, theo hướng tập trung nguồn lực cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thực hiện nhiệm vụ tại nghị quyết nêu trên, trong 11 tháng đầu năm 2021, các bộ – ngành đã ghi nhận số liệu giải ngân vốn ngân sách nhà nước dự kiến đạt 294.589,31 tỉ đồng, bằng 63,86% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%.
Riêng dự án đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông đạt số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo là 10.752,927 tỉ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm 2021 được giao. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã giải ngân 12.173,807 tỉ đồng, đạt 53,27% kế hoạch đã giao.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng thấp so với cùng kỳ năm ngoái và chưa đạt yêu cầu đề ra song tình hình giải ngân trong tháng 11 đã có sự chuyển biến tích cực. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân năm nay còn hạn chế là bởi tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 gây gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Ngoài ra, công tác điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn trong những tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Thủ tướng về việc thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân đến ngày 31-10 đạt dưới 60% kế hoạch được giao.
Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt, phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10-11-2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021.
Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn công.
 

Hoài Dương (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)