Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh liên kết báo đài trong tuyên truyền thi đua sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vấn đề này được đại diện các cơ quan báo đài nêu ra tại Hội thảo chuyên đề công tác tuyên truyền “Đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2023”, do Khối thi đua 5 vừa tổ chức.


Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng đánh giá thời gian qua các cơ quan báo đài đã hỗ trợ, giúp sức Ban Thi đua Khen thưởng trong công tác tuyên truyền về phong trào thi đua sáng tạo của TP

Liên kết giúp lan tỏa thông tin sâu rộng hơn

Theo báo cáo, gần 3 năm qua, Khối thi đua 5 đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Ban Thi đua Khen thưởng, UBND TP phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hằng năm nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP.

Với Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 là một trong 51 Đề án của 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ XII giai đoạn 2020 – 2025.

Triển khai thực hiện, Khối đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp để thu hút các đối tượng hưởng ứng tham gia; trong đó đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền lực lượng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên tại các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn TP. Các đơn vị báo đài trong Khối đều có mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải tin bài tuyên truyền, nhân rộng về các gương điển hình tiên tiến; các công trình, giải pháp, tác phẩm, dịch vụ sáng tạo đạt giải thưởng sáng tạo TP.HCM.

Mặc dù Khối thi đua 5 đã đạt những mặt tích cực, tuy nhiên, về nội dung triển khai kế hoạch vẫn còn chưa đạt được như kỳ vọng và tầm vóc của những đơn vị trong Khối.

Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao động, Khối phó, cho biết Khối thi đua 5 còn thiếu nghiên cứu sâu khi tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đề án, chưa có mô hình tiêu biểu, cách làm hay, nổi bật thực sự trong việc triển khai thực hiện đề án. Đặc biệt, đối với quỹ tài chính của Khối còn hạn chế nên chưa thực sự đáp ứng được những mong muốn, kết hợp tạo sân chơi, mô hình mới giữa các đơn vị trong Khối. Khối còn chưa tuyên truyền sâu, rộng những mô hình, cách làm hay, các gương điển hình trong phong trào thi đua sáng tạo tại phường, xã, thị trấn.

Đại diện các đơn vị báo đài đều đánh giá phong trào thi đua sáng tạo và giải thưởng sáng tạo là chủ trương lớn, có ý nghĩa. Để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác truyền thông thì tiểu ban tuyên truyền của giải thưởng nên xây dựng công tác tuyên truyền sao cho bài bản, hiệu quả, khoa học và không ngừng đổi mới phương thức sao cho sinh động, ấn tượng… Mặt khác, để hỗ trợ nhau về các phong trào của chính mình thì việc cung cấp thông tin và tạo ra sự liên kết giữa các cơ quan báo đài là rất cần thiết.

“Nhằm đóng góp chung vào phong trào thi đua sáng tạo của TP.HCM và cùng phát huy thế mạnh, các cơ quan báo đài trong Khối thi đua 5 cần phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn trong việc kết nối các thông tin về các phong trào thi đua sáng tạo”, ông Phạm Văn Trường – Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạt – Tổng Thư ký Tạp chí Giáo dục TP.HCM cho rằng sự liên kết giữa các đơn vị trong công tác truyền thông sẽ giúp thông tin tuyên truyền vừa cụ thể, trực tiếp, trực diện, tổng lực… qua đó lan tỏa tinh thần thi đua sáng tạo sâu rộng hơn.

Phân bổ hợp lý ngân sách tuyên truyền để các báo đài cùng nhập cuộc

Trước đó, tại hội thảo, đại diện các đơn vị báo đài trong Khối cũng trao đổi, hiến kế các giải pháp, cách làm hay khi triển khai thực hiện hiệu quả đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030.

Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết, báo đài có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông, thể hiện qua vai trò tuyên truyền nội dung, chủ trương và vai trò phát hiện.

Đỉnh cao của hiệu quả tuyên truyền là làm cho phong trào thi đua sáng tạo trở thành văn hóa, nếp nghĩ thường trực trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể, tổ chức đang sinh sống, học tập, làm việc trong tất các các lĩnh vực, đời sống xã hội. Bởi chỉ có sáng tạo, sáng kiến không ngừng mới thúc đẩy sự phát triển.

Để các báo đài đồng loạt tham gia tuyên truyền, Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM đề xuất tùy theo tính chất, vai trò của mỗi báo, ngân sách TP.HCM nên có sự tính toán phân bổ hợp lý để các đơn vị cùng nhập cuộc. “Tránh như hiện nay, khi tuyên truyền giải thưởng sáng tạo của TP.HCM (2 năm trao 1 lần) thì ngân sách chỉ tập trung cho một số báo đài, còn những báo khác lại không được nguồn ngân sách này”, bà Phạm Thị Vân Anh nói.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng – Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Ban Thi đua và Khen thưởng TP.HCM, phụ trách Khối thi đua 5 đánh giá thời gian qua các cơ quan báo đài đã hỗ trợ trợ, giúp sức Ban Thi đua Khen thưởng trong công tác tuyên truyền về phong trào thi đua sáng tạo và Giải thưởng Sáng tạo của TP.

Bà mong các đơn vị tích cực hơn nữa trong hoạt động truyền thông, lan tỏa tinh thần sáng đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan để số lượng các đơn vị tham gia Giải thưởng Sáng tạo ngày càng đông hơn, chất lượng giải thưởng được nâng cao, góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM.

“Dù biết rằng nhiệm vụ tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị chung, nhưng nếu có báo được nguồn chi phí nhiều, có báo không được quan tâm phân bổ, chắc chắn tính quan tâm, nhập cuộc của các báo sẽ không đều vì họ không thấy trách nhiệm nhiều của mình ở đó”, bà Phạm Thị Vân Anh nói thêm.

Ông Vương Quyền – Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đánh giá Khối thi đua 5 làm tốt công tác tuyên truyền các phong trào thi đua thời gian qua. Ông mong Ban chỉ đạo, Ban Thi đua Khen thưởng TP khi có những đề án nên gửi rộng rãi đến các đơn vị báo đài để từ đó khai thác tốt các đề tài từ trong thực tiễn đời sống, qua đó thực hiện tốt vai trò truyền thông của báo đài.

Trên cơ sở những cách làm hay trong công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả thực hiện Đề án Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP, Báo Người Lao động đề xuất Thành ủy, UBND, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là các quận, huyện, các sở, ngành chức năng cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho đội ngũ những người làm báo tiếp cận thông tin, liên hệ công tác để kịp thời phản ánh, tuyên truyền trên các ấn phẩm của báo về các kết quả, các nội dung thực hiện các nghị quyết, chính sách của Trung ương; các nghị quyết của Trung ương đối với riêng TP…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)