Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy và trò Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn trong giờ thực hành nghề điện

Ngày 23-3 tại Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2011-2012 của ngành giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) TP.
Chưa hết khó khăn
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận: Đến nay, mạng lưới trường lớp cho ngành GDCN vẫn tiếp tục được củng cố và mở rộng về cả số lượng lẫn chất lượng. Công tác đào tạo của các trường ngoài công lập từng bước đi vào ổn định, nề nếp. Điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị phục vụ cho dạy học ở nhiều trường chuyên nghiệp không ngừng được tăng cường, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển nhà trường trong những năm học tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức đầu tư hiện tại vẫn chưa tương xứng với quy mô và yêu cầu nâng cao chất lượng của bậc học này. Sự phát triển nhanh của hệ thống trường ngoài công lập mặc dù góp phần mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa mạng lưới ngành nghề nhưng vẫn gặp không ít trở ngại do đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, khả năng và kinh nghiệm quản lý còn nhiều bất cập.  Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên (GV) cơ hữu cũng còn hạn chế về số lượng, chất lượng, nhiều GV thỉnh giảng chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm. “Một số trường chưa thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, dạy cuốn chiếu các môn học, không bố trí rải đều trong học kỳ, không thực hiện đầy đủ đúng số tiết dạy và nội dung chương trình theo kế hoạch. Hiệu suất đào tạo TCCN chưa cao. Đặc biệt, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hời hợt…”, ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng GDCN và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) lưu ý.
Với những hạn chế còn tồn tại, tính hết học kì I năm học 2011-2012, hệ TCCN chỉ tuyển được trên 37.000 học viên (HV) trong khi chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký và được giao gần 48.000 HV. Học sinh (HS) trình độ THCS vào học hệ TCCN là 5.583 HV/37.193 HS. Chỉ duy nhất hệ CĐ tuyển sinh vượt chỉ tiêu (7.234/7.000 SV). Khó khăn này một phần là do các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh hệ TCCN và có nhiều trường tuyển sinh hệ CĐ thực hành nên thu hút được nhiều HS vào học. Vì vậy, toàn TP có 43 trường chuyên nghiệp nhưng đến nay vẫn còn 7 trường chưa nộp báo cáo về công tác tuyển sinh (không tuyển được hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu).
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC CNTT Sài Gòn chia sẻ: Những khó khăn trong tuyển sinh kết hợp với việc CSVC còn hạn chế do phải thuê mượn, chắp vá cùng hàng loạt thủ tục nhiêu khê đã đẩy các trường vào tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”. Không những vậy, nhiều trường còn gây khó cho chính mình bằng việc không hiểu về quy định: Miễn, nộp thuế doanh nghiệp…
Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp
Công tác hướng nghiệp, phân luồng ngày càng phát huy tác dụng giúp cho nhận thức xã hội về GDCN từng bước có những chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp. Sau khi hiểu rõ về vai trò của GDCN, nhiều quận, huyện đã đẩy mạnh sự quan tâm và đầu tư đúng mực cho công tác phân luồng HS phổ thông vào hệ TCCN. Tất cả 24 quận, huyện đều có kế hoạch thực hiện công tác phân luồng năm 2012. Đặc biệt, không ít nơi còn huy động cả hệ thống chính trị của địa phương cũng như dành nhiều nguồn lực vận động và thu hút HS.
Minh chứng cho cách làm hay và hiệu quả trong việc phân luồng hướng nghiệp HS, bà Nguyễn Thị Tròn, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, phấn khởi nói: “Nhằm giúp HS nhận thức đúng khả năng, thực lực của mình để từ đó có kế hoạch học tập, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, Phòng GD-ĐT huyện đã thực hiện việc hướng nghiệp, phân luồng cho các em bằng cả “ba mũi giáp công”. Theo đó, chuyên viên phụ trách công tác hướng nghiệp của phòng, cùng với BGH, GVCN các trường kết hợp chặt chẽ với ban tuyển sinh, hướng nghiệp thuộc nhiều trường TCCN, CĐ đã xuống từng trường, gặp từng PHHS để tư vấn cho họ”. Nhờ cách làm việc chuyên nghiệp mà những thành viên trong ban tư vấn đã thuyết phục được nhiều HS rớt lớp 10 hoặc không đậu ĐH và đặc biệt là những em đang học THCS, THPT chủ động đăng ký học TCCN, TCN. Ban đầu, một vài PHHS vẫn chưa thôi trăn trở vì sợ con mình khi ra trường khó tìm được việc làm do còn quá trẻ. Thế nhưng khi biết được sau này HV hệ TCCN có thể học liên thông lên CĐ, ĐH, các PH đều tích cực vận động con em mình ra học TCCN hoặc TCN khi điều kiện không cho phép “trèo cao”.
Kết luận hội nghị, ông Thanh nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã có quyết định và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, phải có 30% HS đi học nghề. Riêng TP tới năm 2015 có 70% người lao động phải qua đào tạo nhưng hiện tại mới chỉ đạt 50%. Đây chính là thuận lợi và cũng là cơ hội để các trường chuyên nghiệp nắm lấy. Có nhiều nguyên nhân khiến một số trường chuyên nghiệp không tuyển được HV, nhưng trong đó việc ỷ lại, tự ti, đào tạo không đảm bảo chất lượng… là tác nhân khiến cho chỉ tiêu tuyển sinh trồi sụt thất thường hoặc không tuyển sinh được. Do đó, các trường này cần biết vận dụng xã hội hóa giáo dục, mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để khẳng định thương hiệu và học hiệu của chính mình!
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)