Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong tình hình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ giá lúa xuống thấp trong khi người dân mong bán được giá cao. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập người trồng lúa.


Người nông dân thu hoạch lúa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Doanh nghiệp chờ mua giá thấp, người dân mong bán giá cao

Chỉ thị nêu, những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp, người nông dân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi; nhu cầu gạo của các nước trong khu vực lẫn trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Tuy nhiên hiện nay, dù các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ đông xuân song lại có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp trong khi người dân mong muốn bán được giá cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập người trồng lúa.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam… tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ đông xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo sản xuất vụ hè thu. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng dõi sát tình hình; cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; phối hợp Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đặc biệt, chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa gạo; đẩy mạnh tập huấn trang bị kiến thức cho nông dân về thị trường, kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo; nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…

Bộ trưởng Bộ Công thương thì chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, chủ trì phối hợp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các cơ quan có liên quan và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân – doanh nghiệp vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế; nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.

Xuất khẩu gạo năm 2023 cao nhất trong 16 năm qua

Theo đánh giá, năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu có nhiều biến động bất thường nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng nỗ lực của người nông dân, sự kiên trì của doanh nghiệp với các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa thì ngành lúa gạo đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD (tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua); góp phần quan trọng đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng lúa gạo nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, được nêu ra trong chỉ thị. Cụ thể như chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào; giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao; tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất thấp; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo ở nước ta. Chưa kể, chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Thục Trân

 

Bình luận (0)