Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ

Tạp Chí Giáo Dục

Thúc đẩy sản xuất lúa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân tăng lợi nhuận là chiến lược phát triển trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Sản xuất lúa hữu cơ đang là hướng đi bền vững cho nông dân Đồng Tháp /// Ảnh: Đặng Ngọc

Sản xuất lúa hữu cơ đang là hướng đi bền vững cho nông dân Đồng Tháp – Ảnh: Đặng Ngọc

Mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ
Người tiên phong trong phương thức sản xuất lúa hữu cơ ở Đồng Tháp là anh Võ Văn Tiếng (26 tuổi, ngụ xã Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự). Anh Tiếng hiện sở hữu Nông trại Tâm Việt với diện tích hơn 40 ha, nói không với phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhằm tạo ra sản phẩm “gạo ngon từ chất, chất ngọt từ tâm”. Ban đầu, mô hình này không nhận được sự ủng hộ của những người trồng lúa lâu năm, nhưng anh Tiếng đã chứng minh sản phẩm lúa hữu cơ sẽ được mọi người chấp nhận và đang rất cần để nâng tầm gạo Việt. “Hạt gạo sản xuất theo phương thức hữu cơ sẽ sạch và an toàn cho người sử dụng. Từ đó, giá trị hạt gạo tăng cao, người nông dân có thu nhập ổn định, có thể duy trì mô hình sản xuất bền vững và hiệu quả trong những vụ mùa tới”, anh Tiếng chia sẻ.
Hiện nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười đang áp dụng phương pháp sản xuất lúa hữu cơ và mang lại hiệu quả đáng kể. Điển hình như mô hình trồng lúa hữu cơ tại HTX Tân Bình (H.Thanh Bình) với diện tích 10 ha; trong đó, các xã viên áp dụng đồng thời 2 phương pháp sạ lan truyền thống và cấy mạ bằng máy. Kết quả cho thấy phương pháp trồng lúa hữu cơ áp dụng cấy mạ bằng máy có hiệu quả vượt trội. Xã viên sử dụng 5 kg lúa giống/công, chỉ bằng 1/4 so với sạ lan truyền thống nhưng lúa vẫn phát triển tốt, xanh lá, cây nở bụi và ít sâu bệnh tấn công. Đặc biệt là không cần sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Kết quả, 1 ha lúa hữu cơ sử dụng máy cấy cho năng suất 5 – 5,6 tấn, lợi nhuận trên 35 triệu đồng, cao hơn lúa hữu cơ sạ lan gần 13 triệu đồng và cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống trên 20 triệu đồng.
 
 
 

Hạt gạo sản xuất theo phương thức hữu cơ sẽ sạch và an toàn cho người sử dụng. Từ đó, giá trị hạt gạo tăng cao, người nông dân có thu nhập ổn định, có thể duy trì mô hình sản xuất bền vững và hiệu quả trong những vụ mùa tới

 
 

Anh Võ Văn Tiếng

 

Hướng đi bền vững

Vụ hè thu 2017, H.Tháp Mười tiếp tục nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận ở các xã, thị trấn trong huyện, với tổng diện tích trên 7.700 ha. Tham gia mô hình này, nông dân sử dụng giống xác nhận để gieo sạ với mật độ từ 80 – 100 kg/ha, giảm khoảng 50% so với phương thức sạ truyền thống. Hiện HTX Đức Huệ (xã Mỹ Quý, H.Tháp Mười) đang sử dụng 400 ha đất thuê của doanh nghiệp và 400 ha của nông dân ở các xã Phú Thọ, Phú Đức, Phú Thành và TT.Tràm Chim (H.Tam Nông) để sản xuất lúa hữu cơ với chi phí mỗi vụ từ 13 – 15 triệu đồng/ha. Những giống lúa chủ lực được HTX sử dụng như: Jasmine 85, OM 5451, OM 6976, OM 4900, Nàng Hoa 9… đều thực hiện theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Phát Tài, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Lương thực Tiền Giang và một số công ty khác.
Đến khi thu hoạch, nông dân được bao tiêu cao hơn 200 đồng/kg so với giá lúa thị trường. Ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc HTX Đức Huệ, chia sẻ: “Tham gia mô hình sản xuất lớn, sản xuất lúa hữu cơ, nông dân đỡ tốn công chăm sóc nhưng vẫn đạt năng suất ổn định và không phải lo tìm đầu ra. Ngoài ra, nông dân có thể tranh thủ thời gian làm thuê cho HTX để có thêm thu nhập cho gia đình”.
Chiến lược sản xuất lúa hữu cơ đang là hướng đi bền vững giúp nông dân Đồng Tháp giải quyết bài toán về giá thành sản phẩm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đặng Ngọc – Phú Thuận (TNO)

 

Bình luận (0)