Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh tự chủ đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 19-10, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo đề án đẩy mạnh tư chủ đại học, giai đoạn 2024 – 2030.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo

Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) cho biết, GDĐH đóng vai trò then chốt trong thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kiến tạo phát triển và quản lý. GDĐH tự chủ đại học là thuộc tính của hệ thống GDĐH, là nền tảng và động lực then chốt để các cơ sở GDĐH tối ưu hóa hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghiên cứu. Đầu tư cho GDĐH và đầu tư vào các cơ sở GDĐH là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước mang lại hiệu quả cao lợi ích lớn, lâu dài cho người học, gia đình và toàn xã hội. Tăng nguồn lực đầu tư cho GDĐH là tất yếu để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo và nghiên cứu.

Cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, lấy lợi ích của người học và xã hội làm mục tiêu cốt lõi. Tự chủ đại học làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước và quản trị cơ sở GDĐH nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với GDĐH và của các cơ sở GDĐH đối với xã hội.

Mục tiêu của đề án tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, thực chất, thực sự trở thành nên tảng, động lực then chốt cho phát triển hệ thống GDĐH đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao và KHCN cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng vai trò giám sát của cơ quan QLNN và XH đối với cơ sở GDĐH Đôi mới chính sách cơ chế tài chính đại học. Trong đó đổi mới chính sách, cơ chế tài chính ĐH sẽ gồm 6 nhiệm vụ. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng. Tăng cường hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho GDĐH, Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho SV; Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển GDĐH Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo. Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở GDĐH…


Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua việc thực hiện tự chủ đại học còn một số vướng mắc. Ví dụ như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ chưa nhất quán để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở GDĐH; Những trường đại học thực hiện tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, gốc của tự chủ là phải nói đến vấn đề phân quyền. Nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực trong nội bộ dẫn đến xung đột trong tổ chức. “Hiện nay tổ chức hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan mà chỉ sử dụng một số quyền lực của Đảng ủy, một số quyền lực của ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”.

Ngoài ra, nếu trường ĐH 2 cấp (tức có Hội đồng Đại học và Hội đồng trường) không rõ phân định mối quan hệ giữa hội đồng đại học và hội đồng trường thì chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng ly tâm. Ông Thanh cho rằng, các ĐH nên chỉ có một cấp hội đồng, nếu có 2 cấp thì xem hội đồng đại học là hội đồng bao quát. Như vậy, mới có sự kết nối thông suốt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tự chủ đại học là xu thế tất yếu của ĐH. Đề án tự chủ ĐH giai đoạn 2024-2030 sẽ phân tích rõ kết quả đạt được trong quá trình triển khai những năm qua, phân tích các “điểm nghẽn”, những cản trở sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Đối với những đề xuất kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết thì Bộ GD-ĐT sẽ sớm xử lý. Riêng những ý kiến kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ kiến nghị đề xuất để từ đó tháo gỡ, hoàn thiện một cách tốt nhất.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)