CSGT TP.HCM đang đẩy mạnh tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong mùa thi cử. Hoạt động này nhằm nhắc nhở học sinh tuân thủ quy định về an toàn giao thông để có mùa thi cử an toàn, đạt kết quả cao.

Nhắc nhở học sinh về an toàn giao thông
Đội CSGT Phú Lâm vừa phối hợp với Trường THPT An Lạc tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định có liên quan cho khoảng 3.000 học sinh, 80 giáo viên của trường. Nội dung tuyên truyền được minh họa bằng hình ảnh, kèm theo đó là các điều luật chi tiết với mức phạt tiền cụ thể cho từng hành vi vi phạm Luật Giao thông. Đồng thời, CSGT còn nhắc nhở người tham gia buổi tuyên truyền về ý thức của mình khi tham gia giao thông cũng như nhắc nhở người thân của mình chấp hành tốt Luật Giao thông khi tham gia trên đường để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác.
Đội CSGT Bàn Cờ cũng vừa phối hợp với Trường THCS Hòa Hưng tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh. Ngoài những quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cán bộ CSGT còn chia sẻ nhiều tình huống thực tế khi tham gia giao thông trên đường, để truyền tải sâu, dễ hiểu nhất những kỹ năng, văn hóa tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Buổi tuyên truyền càng thêm sinh động, khi các em học sinh tích cực tham gia hoạt động giao lưu, hỏi đáp kiến thức, xử lý tình huống khi tham gia giao thông trên đường.
Đại diện Đội CSGT Bàn Cờ cho biết, từ đầu tháng 5, đội đã liên tục phối hợp với các trường học trên địa bàn đảm trách tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, CSGT còn thông tin những điểm mới về đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh. Trong buổi tuyên truyền, CSGT Bàn Cờ lưu ý nhất là những kỹ năng tham gia giao thông an toàn để các em học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, ý nghĩa.

Học sinh Trường THCS Phan Bội Châu vừa được tìm hiểu kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tại đây, cán bộ CSGT linh hoạt thay đổi nội dung và hình thức tuyên truyền giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Các cán bộ, chiến sĩ cũng đưa ra các tình huống giao thông gần gũi với đời thường để học sinh dễ dàng nhận biết và hình thành nhận thức đúng đắn khi tham gia giao thông.
Đảm bảo an toàn, thông suốt
Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh trong mùa thi cử năm nay, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm giao thông đường bộ trong thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT năm 2025 (ngày 5 đến 7-6 và từ ngày 25 đến 28-6). Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị nêu trên khắc phục ngay các bất cập, tồn tại về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn giao thông khu vực các nút giao với các trường học trên hệ thống đường bộ. Bên cạnh đó, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm giao thông bằng việc điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ; phân luồng, cảnh báo, bảo đảm giao thông; vá ổ gà, vệ sinh, thoát nước mặt đường, giải tỏa lấn chiếm hành lang đường bộ, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 15-3 đến ngày 14-4), toàn quốc xảy ra 1.568 vụ tai nạn giao thông, làm chết 860 người và làm bị thương 1.062 người. So với tháng cùng kỳ năm 2024 giảm 439 vụ (21,87%), giảm 20 người chết (2,27%), giảm 449 người bị thương (29,72%). Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ với 1.552 vụ, làm chết 848 người, bị thương 1.059 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 439 vụ (22,05%), giảm 21 người chết (2,42%), giảm 450 người bị thương (29,82%). |
Các chủ dự án xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải kịp thời hoàn trả mặt đường, các bộ phận công trình đường bộ bảo đảm chất lượng. Hoàn thành việc xây dựng hoặc tạm dừng thi công trong thời gian tổ chức kỳ thi trên địa bàn khu vực. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các dự án sửa chữa, bảo trì đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu việc thi công phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác, sử dụng góp phần bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. “Các nhà thầu thi công phải bố trí cán bộ, nhân viên trực, gác hướng dẫn, điều tiết giao thông; bố trí hệ thống cảnh báo, thu dọn hiện trường, tập kết máy móc, thiết bị đúng nơi quy định khi tạm dừng thi công. Trong quá trình triển khai thi công yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo giao thông khi thi công trên đường đang khai thác theo quy định”, Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ.
Đối với các khu quản lý đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chỉ đạo các nhà đầu tư BOT đường bộ, bố trí thiết bị, lực lượng trực 24/24h nhằm ứng trực, bảo đảm giao thông kịp thời khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Trực số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin an toàn giao thông, nâng cao chất lượng vận tải, phục vụ người dân tốt nhất. Các sở xây dựng lập kế hoạch bảo đảm giao thông các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Triển khai công tác vận tải đường bộ phục vụ tốt nhu cầu đi lại của thí sinh và người dân.
Kiều Khánh
Bình luận (0)