Tòa soạnThư đi – tin lại

Đẩy mạnh văn hóa đọc cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường TH THSP Phan Đình Phùng đang được thầy cô chỉ dẫn cách đọc truyện

Để các em học sinh (HS) có không gian tiếp cận đồng đều với các loại sách (từ truyện tranh, truyện cổ tích cho đến sách khoa học…), nhiều trường đã và đang nhân rộng mô hình thư viện (TV). Đối với HS tiểu học, khi đến với TV, các em còn được giáo viên (GV) hướng dẫn các phương pháp đọc sách để tiếp nhận tri thức một cách hiệu quả nhất.
Đa dạng mô hình
Cứ vào giờ ra chơi, những chiếc kệ sách lần lượt được đẩy ra góc sân phục vụ các “thượng đế” nhí. Các loại sách về khoa học, thiên văn, truyện cổ tích, truyện tranh… được bày xếp ngay ngắn trên kệ. Dù là đang ngồi tại ghế đá hay gốc cây, các bạn nhỏ vẫn có thể tìm được sách, truyện để đọc. Công việc này đã được Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm (TH THSP) Phan Đình Phùng (Q.3) thực hiện vài năm gần đây. Đây là mô hình TV lưu động, nhằm mở rộng không gian đọc cho HS.
Bên cạnh đó, nhằm tạo không gian thực hành các môn nhạc, họa… cho các em HS, nhà trường đã mở thêm góc sáng tạo, góc vẽ, góc trò chơi giáo dục… Vì thế, trong những giờ ra chơi, khoảng sân của Trường TH THSP Phan Đình Phùng luôn rộn ràng các hoạt động đọc sách, vui chơi của các em HS.
Không dừng lại ở những hoạt động ngoài trời, Trường TH THSP Phan Đình Phùng còn phát động phong trào quyên góp sách từ phụ huynh, GV rồi thành lập TV mi ni cho riêng mỗi lớp, treo ngay cửa ra vào, thể hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện – TV thân thiện”, đồng thời nhằm tăng các đầu sách cho TV nhà trường.
Thay vì làm mô hình TV lưu động giống Trường TH THSP Phan Đình Phùng, Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp) lại biến hành lang rộng rãi trước mỗi lớp thành nơi kê các kệ sách cố định để các em HS có thể tìm kiếm sách truyện một cách thuận tiện, dễ dàng trong những giờ ra chơi, những tiết học trống hay trong giờ nghỉ trưa.
Ngược lại, Trường Tiểu học Điện Biên (Q.10), vì khuôn viên sân trường nhỏ, mỗi lớp cũng không có hành lang rộng nhưng các em HS lại có TV xanh để kiếm tìm sách, truyện. TV xanh này được tạo ra bằng cách treo các ống sách ở dưới mỗi gốc cây, trong mỗi ống sẽ bỏ vào hai cuốn sách, truyện và số sách truyện này sẽ được thay đổi trong vòng 3-4 ngày. “Với mô hình linh động này, sách truyện được luân chuyển rộng rãi đến tay các em HS. Bởi nếu như hàng tuần chỉ lên TV 1 tiết/ tuần theo thời khóa biểu thì số sách truyện các em đọc được sẽ không nhiều” – thầy Trần Minh Như, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Rèn luyện các kỹ năng
Nhằm giúp các em HS đọc được đa dạng các loại sách truyện, nhiều thầy cô bộ môn đã kiêm nhiệm luôn công việc của một thủ thư. Tại Trường TH THSP Phan Đình Phùng, cứ mỗi tiết HS xuống TV luôn có từ một đến hai thầy cô được phân công làm bạn đọc cùng HS. Các em được hướng dẫn các cách đọc: đọc không phát âm lớn; mắt di chuyển theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới; tập trung tư tưởng khi đọc…
Để giúp HS cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, các thầy cô luôn hướng dẫn cho các em HS tìm sách đúng với chủ đề của mỗi tháng để đọc. Đơn cử, chào mừng ngày 20-10, HS Trường Tiểu học Kim Đồng sẽ được đọc các sách truyện viết về cha mẹ, cô giáo hay bạn bè. Kết thúc mỗi chủ đề, trường sẽ tổ chức cho từng lớp diễn kịch, kể chuyện dưới cờ nhằm giúp các em thực hành những gì mà mình tiếp thu được từ sách, truyện.
Với Trường TH THSP Phan Đình Phùng, HS phải ghi lại tiêu đề sách đã đọc, cảm nghĩ về nội dung câu chuyện hoặc những hình ảnh đã được đọc, được xem. Trong buổi tổng kết thi đua, lớp nào đọc được nhiều cũng như có những câu cảm nghĩ hay thì giành phần thắng về điểm thi đua cho lớp và cá nhân. “Thông qua số lượng sách và các câu cảm nghĩ, chúng tôi nhận ra các em HS lớp 1, 2, 3 thích truyện tranh hơn vì khả năng cảm thụ các truyện, sách nhiều chữ chưa sâu, còn HS các lớp 4, 5 lại thích đọc các sách về khám phá vũ trụ, thế giới tự nhiên hay các truyện ngắn về tình bạn” – cô Nguyễn Thị Lương Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Bài, ảnh: N.Trinh

Thông qua những cách làm sáng tạo của mình, nhiều trường đã “biến” các TV “khô khan” thành những sân chơi tri thức bổ ích nhằm giúp các em HS phát triển kỹ năng đọc để hoàn thiện bản thân.

 

Bình luận (0)