Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhiều địa phương, bộ ngành đã thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, đem lại hiệu quả cao trong cải cách thủ tục hành chính.

Giảm phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đã có những bước chuyển biến đáng kể, được người dân và doanh nghiệp ủng hộ. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực được đặc biệt quan tâm, nhất là ở lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai…
Tại bộ phận "một cửa" của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ đầu giờ sáng đã có hàng chục người dân đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù khá đông nhưng không có tình trạng lộn xộn, chen lấn. Mọi người đều trật tự xếp hàng chờ đến lượt in trên phiếu, gọi tên làm việc đúng theo quy trình.
Anh Nguyễn  Minh Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Quy trình làm sổ đỏ hiện nay rất tiện lợi, tất cả những thông tin, quy trình về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục khác được niêm yết công khai tại các vị trí dễ tìm, dễ đọc. Ngay ở cửa chính của văn phòng là máy hướng dẫn bấm số theo thủ tục và một máy tính lớn, người dân có thể tra cứu hồ sơ, thủ tục cần thiết. Tôi thấy có nhiều chuyển biến so với trước đây”.

Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai quy trình, thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân dễ dàng nhận diện và tiếp cận minh bạch. 

Hiện tại, Sở tập trung đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, nhân lực cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ công dân trong việc dễ dàng tiếp cận với các thủ tục hành chính, giảm nhiều chi phí, thời gian đi lại của công dân, hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực, “nhũng nhiễu” khi làm thủ tục đất đai.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, khi giải quyết hồ sơ hành chính, việc hỏi ý kiến giữa các sở, ngành, quận, huyện thay vì sử dụng văn bản giấy và gửi bằng đường bưu điện như hiện nay thì sẽ sử dụng văn bản điện tử gửi qua mạng. Các cơ quan, đơn vị dùng chữ ký số (đã đăng ký) để xác nhận trên hệ thống, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Hồ sơ hành chính sau khi được tiếp nhận từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại bất kỳ đơn vị nào đều được chuyển thành “tài liệu điện tử”, được lưu trữ trên hệ thống mạng dữ liệu chung và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ sử dụng cho cấp phép cũng như  quản lý. 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, hệ thống liên thông văn bản điện tử của thành phố đã triển khai cho 222 đơn vị từ Văn phòng UBND thành phố đến sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và một số UBND xã, phường, thị trấn, các tổng công ty; đã trao đổi hơn 1,15 triệu văn bản điện tử qua mạng. 
Ngoài ra, hệ thống thư điện tử đang hoạt động ổn định và được các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thông dụng và hiệu quả. Hệ thống đã cấp hơn 15.400 hộp thư điện tử với tỷ lệ sử dụng trong công việc là trên 84,5%, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí hoạt động. Công tác xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và mở rộng. Thành phố đang cung cấp dịch vụ trực tuyến với 1.700 dịch vụ ở mức độ 2; 426 dịch vụ ở mức độ 3; 58 dịch vụ ở mức độ 4… 
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Việc liên thông điện tử để giảm thời gian đi lại của người dân, từng bước bỏ những thủ tục giấy tờ chuyển qua chuyển lại bằng đường văn thư, thay vào đó là liên thông điện tử, dùng chữ ký số, giúp cho lãnh đạo thành phố kiểm soát được bộ máy của mình; đồng thời chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn. 
Chủ động từ các cấp
Hiện nay, một số địa phương đã chủ động tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử. Đứng trong top đầu phải kể đến Đà Nẵng với nhiều cách làm độc đáo. Năm 2015 là năm thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng đứng đầu nhóm các tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính.
Đến nay, 100% các cơ quan hành chính các cấp (phường, xã, quận, huyện, sở, ngành) đã sử dụng chung hệ thống một cửa điện tử, cho phép liên thông, chuyển hồ sơ điện tử giữa tất cả các cơ quan, đơn vị. Thành phố đã xây dựng mới, chuyển đổi hơn 500 dịch vụ công trực tuyến, hình thành khung tổng thể về ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. 100% cơ quan hành chính, bao gồm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tất cả công chức thành phố đều được cấp email công vụ và trao đổi công việc thông qua email. 100% các sở, ngành đã được cấp chứng thư điện tử và chữ ký số dành cho lãnh đạo.
Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, việc triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến là ưu tiên của toàn thành phố. Đến hết năm 2015, 100% việc kê khai thuế và nộp tờ khai hải quan đã được thực hiện qua mạng. Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong thí điểm và hoàn thành việc triển khai nộp thuế điện tử, triển khai thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội qua mạng…
Để có thể tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính thời gian qua được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước phấn đấu theo hướng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”. Đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức (tên miền: .gov.vn, .chinhphu.vn) phục vụ công việc. 80% số lượng văn bản hành chính được các cơ quan hành chính cấp trung ương và địa phương trao đổi dưới dạng điện tử. 100% dịch vụ công cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương cung cấp trực tuyến mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử của mình; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã và đang được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng… Đặc biệt, việc xây dựng, triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã góp phần nâng cao tính chính xác, kịp thời trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

PV/ Tin tức

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)