Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy mở khóa tràn lan, ai kiểm soát?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, tình trạng trộm cướp diễn ra nhanh và táo bạo hơn. Một trong những nguyên nhân để vụ trộm thành công đó là việc mở khóa các phương tiện, nhà cửa. Hiện tượng “tầm sư” học mở khóa và phá khóa đang ngày càng phát triển. Chỉ sau một thời gian ngắn theo học, thì không loại khóa nào là không mở được. Dẫu mức phí có cao nhưng nhiều người vẫn chấp nhận đóng tiền để học.

Những nơi sửa khóa kiêm luôn dạy mở khóa

Thủ thuật mở khóa trong vài giây

Những “người thầy” dạy mở khóa mà nhiều “đạo chích” đã theo học chính là những ông chủ tiệm sửa khóa, mở khóa. Có lẽ thủ phủ của những bậc thầy này là ở các tuyến đường như Âu Cơ, Phan Huy Ích, Trường Chinh góc Phạm Văn Hai với Hoàng Sa (quận Tân Bình). Mỗi khóa học có giá dao động từ 3-15 triệu đồng, tùy vào việc học mở khóa nhà, ô tô hay khóa két sắt. Một nguyên tắc của những thầy dạy sửa khóa là không nhận bừa, phải có sự quen biết trước hoặc giới thiệu từ những người quen biết mới nhận học và phải đóng học phí trước khi học. Nếu tự nhiên vào xin học thì từ chối thẳng không nhận, dẫu có trả học phí cao hơn. Thực chất đây là một hình thức đề phòng mình bị “gài bẫy”. Thế nhưng, cũng không ít người tuy được người quen giới thiệu nhưng cũng tỏ ra khá dè dặt. Lí do là thời gian vừa qua có nhiều tên trộm đã bị bắt nên việc nhận “đệ tử” cũng phải dè chừng. Khi nhận “đệ tử”, không nhận ở nhà mà phải ra quán nước nói chuyện thỏa thuận về học phí trước đã.

Anh H. thợ sửa khóa và kinh doanh khóa trên đường Trường Chinh cho biết “Nếu dạy anh sẽ lấy 3 triệu. Nếu thấy em làm được, anh sẽ cho em ra mở tiệm hay làm gì với việc này thì tùy em. Hôm nay anh chỉ cái này, mai anh chỉ cái kia. Các loại xe anh chỉ dễ tới khó”.

Đối với các loại khóa như khóa nhà, xe máy có mức học phí là 8 triệu đồng, khóa két sắt, khóa xe hơi và các loại khóa hiện đại khác phải có giá trên 15 triệu đồng (có thể thương lượng xuống nhưng không đáng kể). Học khi nào biết thì thôi, khi nào người học cảm thấy đã biết hết thì nghỉ chứ không giới hạn thời gian. Các “sư phụ” này khẳng định: “Chỉ dạy mở thôi chứ không dạy mánh khóe gì đâu nha, mánh khóe thì lâu năm tích tụ có”.

Trung bình thời gian mở dao động từ 3-5 giây. Ở tiệm luôn có đầy đủ các đồ nghề như bẩy, nóc… để luồn vào trong móc các chốt khóa. Dĩ nhiên, các bậc thầy mở được các loại khóa mà không cần chìa chỉ cần chút thời gian. Với các loại khóa của xe hơi thì cần các thiết bị chuyên dụng, hình dáng gần giống với chiếc điện thoại bàn không dây có giá khoảng 8 triệu đồng. Với dòng xe máy khó mở như Vespa thì cần một loại thiết bị điện tử khác để xác định kiểu khóa để làm thành chìa khóa khác.

Bên cạnh đó, có hẳn một lò chuyên chế tạo các loại thiết bị mở khóa hẳn hoi. Các loại thiết bị này khá đơn giản và chế tạo rất thủ công chủ yếu bằng tay. Chủ lò tại đây đã cho các “đệ tử” thấy các loại khóa thông thường, ông chỉ mở mất khoảng 2 giây. Với thủ thuật mở khóa nhanh như điện thế này thì việc các tên trộm dễ dàng đột nhập vào nhà hoặc mở khóa nổ máy 1 chiếc xe quá dễ dàng.

Cần cái tâm khi truyền nghề

Việc bán khóa và sửa khóa không mang lại một nguồn thu nhập cố định, nên người chủ kiêm luôn cả việc dạy học mở khóa. Thế nhưng, điều này lại mang lại những hệ lụy khi vô tình tiếp tay cho những tên “đạo chích” đột nhập dễ dàng và cuỗm đi tài sản của người khác.

Các dụng cụ mở khóa được chế tạo thủ công

Việc học và dạy mở khóa tràn lan như hiện nay thì vô tình những người thợ sửa khóa lại trở thành những tên “đạo chích”. Việc bày bán không kiểm soát các thiết bị điện tử, các thiết bị thủ công hỗ trợ mở khóa đã tiếp tay cho những đối tượng trộm cắp. Thiết nghĩ ngoài việc thận trọng trong việc truyền nghề thì các cơ quan chức năng cũng nên có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Chính vì thành thạo việc mở khóa nên vào những ngày đầu năm 2016, tại quận Bình Tân, 2 tên trộm đã đột nhập vào 5 căn nhà liên tiếp mà không bị phát hiện. Dù ngay sau đó không lâu 2 tên trộm này đã bị bắt thế nhưng đây là lời cảnh tỉnh cho những bậc thầy dạy mở khóa. Không phải ai cũng nhận, không phải cứ đóng đủ tiền là dạy mà phải tìm người thật sự có tâm để truyền nghề.

Việc nhận và truyền dạy nghề mở khóa vốn dĩ là điều rất bình thường, pháp luật cũng không cấm truyền nghề. Thế nhưng, đây là nghề nhạy cảm nếu không biết chọn lọc thì sẽ tạo ra những mầm mống gây hại cho xã hội. Phải tìm hiểu về nhân thân, tính cách, học với mục đích gì và chỉ truyền lại cho những người có tâm.

Mở ổ khóa vốn dĩ là một nghề rất đỗi quen thuộc, nếu mất chìa hoặc bỏ quên chìa ở đâu đó thì rất cần đến sự giúp sức của những thợ mở khóa này.

Tuy nhiên, việc học và dạy tràn lan như hiện nay thì vô tình những người thợ sửa khóa lại trở thành những tên “đạo chích”. Việc bày bán không kiểm soát các thiết bị điện tử, các thiết bị thủ công hỗ trợ mở khóa đã tiếp tay cho những đối tượng trộm cắp. Thiết nghĩ ngoài việc thận trọng trong việc truyền nghề thì các cơ quan chức năng cũng nên có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Bài, ảnh: Phạm Quyên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)