Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Cần chấm dứt ngay tình trạng “ghi tên lấy tiền”

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, kết quả thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn từ đầu năm đến nay rất thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Đặc biệt là trong thời gian qua, nhiều địa phương rộ lên tình trạng bà con nông dân đến đăng ký nhưng cốt để nhận tiền bồi dưỡng và chứng chỉ học nghề chứ không thực học…
Cụ thể, 6 tháng đầu năm cả nước mới chỉ tổ chức dạy nghề cho hơn 1.300 lao động nông thôn, đạt 27,1% kế hoạch năm. Tương tự, việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề chưa được đảm bảo. Không những thế, việc cấp thẻ học nghề cho học viên ở 2 tỉnh thực hiện thí điểm là Thanh Hóa, Bến Tre cũng chậm so với tiến độ và ngay cả khi có thẻ học nghề, học viên sau học vẫn khó tìm kiếm việc làm.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Ngọc Phi cho biết: Thực tế là năm 2012 kinh tế đất nước khó khăn nên việc phê duyệt phân bổ nguồn vốn chậm, đến tận tháng 6-2012 mới có kinh phí. Vì thế, nhiều địa phương bị động, không có nguồn thực hiện. Thêm nữa, chiêu sinh trong các trường đào tạo nghề hiện nay chưa đạt yêu cầu là do con em chúng ta chưa được thông tin nhiều nên số em chọn học nghề còn ít. Một vấn đề nữa là việc gia hạn thời gian chiêu sinh tới tháng 12 nên học sinh vẫn đang chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào ĐH, CĐ trước khi bước vào học nghề, vì vậy số lượng còn rất thấp. Đến thời điểm này nhiều trường chưa đạt chỉ tiêu. Chính sách đào tạo nghề chưa tuyên truyền được nhiều cho nên gia đình cũng như chính bản thân các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT rồi vẫn chưa mặn mà với học nghề. 
PV: Theo phản ánh của một số địa phương, có tình trạng bà con nông dân đến đăng ký nhưng cốt để nhận tiền bồi dưỡng và chứng chỉ học nghề chứ không “thực học”. Vậy cần có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Đúng là có địa phương xảy ra tình trạng người học đến đăng ký nhưng hôm nay người này học, mai lại người khác học. Ghi điểm ghi danh để lấy tiền ăn trưa, mặc dù chỉ 10, 15 ngàn đồng/buổi thôi. Đối tượng người học có khi là hưu trí chứ không phải người sản xuất.
Từ thông tin của các cơ quan báo chí, chúng tôi đã kịp thời chấn chỉnh. Thứ nhất, dứt khoát ở xã phải quy hoạch được vùng sản xuất. Thứ hai là đặt hàng dạy nghề với các cơ sở đào tạo nghề: Dạy ai thì được người ấy. Thứ ba là đánh giá chất lượng bằng thi chứng chỉ, nhưng phải với điều kiện thi được chứng chỉ chúng tôi mới cấp tiền bồi dưỡng, hỗ trợ. Tức là siết dần quản lý, không để xảy ra tình trạng “đánh trống ghi tên” nữa. Nhiều nơi đã làm tốt, nhưng nhiều nơi cũng còn buông lỏng, phải tiếp tục khắc phục.
Cũng có nhiều nơi, người nông dân sau khi đào tạo vẫn khó tìm việc làm ngay trên chính quê hương mình. Làm thế nào để khắc phục hạn chế đó, thưa Thứ trưởng?
Trong quyết định 1956 đã nói rõ đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm cho người nông dân. Có hai cách làm: Đào tạo theo đơn đặt hàng và cơ sở dạy nghề lao động nông thôn phải dự báo được khả năng có việc làm sau khi nông dân học xong. Một xã đào tạo lớp chăn nuôi thì phải xác định chăn nuôi gì, gia súc hay gia cầm, xác định thời gian học bao lâu, học về có làm ở địa phương được không thì phải có dự báo. Chính quyền xã phải vào việc cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học. 
Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp phải đặt hàng dạy nghề với các cơ sở dạy nghề lao động nông thôn. Chẳng hạn, doanh nghiệp Đức Phong của Nghệ An dạy nghề cho hàng ngàn người đồng thời bao tiêu sản phẩm, nguyên liệu mang tới tận nhà cho người dân, sản phẩm ra bao nhiêu tiêu thụ hết. Nhưng cũng rất nhiều địa phương không làm tốt điều này khiến người dân không tin vào cơ sở dạy nghề, triển khai học nghề kém mặn mà. 
Thực tế là nhiều nơi, người nông dân học nghề xong, làm ra sản phẩm nhưng bí đầu ra. Thời gian tới, cần có các can thiệp như thế nào để giúp nông dân không lo lắng về đầu ra sản phẩm, thưa ông?
Đúng là thời gian vừa qua có những địa phương người nông dân làm ra sản phẩm nhưng không bán được. Đây là một kẽ hở trong đào tạo gắn với tổ chức thị trường. Trong quyết định 1956 đã định hướng rõ: Chỉ đạo dạy nghề nông nghiệp là ngành nông nghiệp. Chỉ đạo nghề phi nông nghiệp là ngành lao động. Dạy nghề nông thôn hiện nay mới đáp ứng phần lớn tự cung tự cấp. Cần tính lại cơ chế khác cho việc tổ chức thị trường vùng đó. Muốn vậy, phải quy hoạch lại vùng sản xuất, tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất và người nông dân với đơn vị dịch vụ.
Theo ông, vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn cần được xác định như thế nào? 
Đây là một vấn đề rất quan trọng, ví dụ làng nghề, nghệ nhân có quyền đào tạo nghề, doanh nhân có quyền đào tạo nghề miễn là có phương pháp sư phạm. Còn doanh nghiệp có điều kiện vẫn được đào tạo nghề theo cơ chế đăng ký đặt hàng với xã, với huyện. Việc ký kết này giúp kiểm soát đầu vào của người học, kiểm soát được thi chứng chỉ nghề, lúc đó cấp phát kinh phí theo cách này tránh được việc học nghề kiểu “đánh trống ghi danh” đang diễn ra hiện nay.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ không quá chú trọng vào số lượng mà sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, không đào tạo tràn lan, đào tạo ra phải có việc làm. Mục tiêu là người lao động có kiến thức, có kỹ năng về sản xuất, làm sao để năng suất lao động cao hơn thì thu nhập sẽ cao hơn, có nhận thức để chuyển đổi từ lao động làm ruộng sang làm dịch vụ, làm nghề truyền thống, hoặc làm ở khu công nghiệp. Như vậy, mục tiêu đào tạo là để góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)