Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Khó nhất là tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động trẻ làm nghề mộc tại làng nghề Sơn Đồng, Hà Nội. ảnh: S.L
Lao động nông thôn (LĐNT) rất cần học nghề trong giai đoạn hiện nay, khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều người lại không có nghề phụ. Việc dạy nghề cho LĐNT cũng được các ngành, đoàn thể quan tâm, nhưng cái khó lại nằm ở ngay khâu đầu tiên: Tuyển sinh. Tại Hà Nội, điều này thể hiện khá rõ.
Tâm lý học nghề chưa "thông"
Chị Bạch Liên Hương – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn – cho biết: "Dạy nghề cho LĐNT luôn được thành đoàn quan tâm và đặc biệt hướng vào đối tượng thanh niên vì đây là lực lượng LĐ có sức khỏe, dễ đào tạo. Các tổ chức đoàn luôn tạo mọi điều kiện để thanh niên nông thôn tiếp cận với việc học nghề, như tổ chức các buổi định hướng nghề, mở lớp dạy nghề tại các quận, huyện".
Trong năm qua, TTGTVL thanh niên Hà Tây cũ, (nay là TT hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội) đã mở nhiều lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn như các lớp sửa chữa điện thoại di động (Hà Đông), làm mộc (Đan Phượng), làm tóc giả (Ba Vì)… Học viên tham gia những lớp này đều được hỗ trợ kinh phí một phần hoặc toàn bộ khóa học. Thuận lợi là vậy, nhưng việc tuyển sinh đầu vào lại khá khó khăn. Lớp sửa chữa điện thoại di động được tổ chức ngay tại TT (45 Bà Triệu, quận Hà Đông) chỉ có gần 20 học viên tham gia dù đây đang là nghề "nóng".
Anh Nguyễn Đức Ngân – Trưởng phòng nghề nghiệp việc làm (TT hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội) – cho biết: "Nhiều thanh niên luôn nghĩ chất lượng của các lớp đào tạo nghề được hỗ trợ không cao. Hơn nữa, nhiều người chưa quen học nghề, đi học sợ mất thời gian LĐ nên không tham gia".
Nhiều ưu đãi cho LĐNT học nghề
Những lớp dạy nghề do các cơ sở đoàn tổ chức đạt hiệu quả khá tốt. Anh Nguyễn Đức Ngân cho biết, 90% học viên sau khi kết thúc khóa học tại trung tâm có việc làm, thu nhập ổn định.
Với mô hình kết hợp vừa học vừa làm hoặc tổ chức các lớp dạy nghề do chủ các DN làm giảng viên, học viên có thể yên tâm về việc làm sau khi học. Lớp dạy nghề mộc (Đan Phượng) là một ví dụ. TT mở lớp đào tạo, học viên được học miễn phí, giảng viên là các thợ lành nghề của một DN. Sau khi học xong, học viên sẽ vào làm ngay tại DN này. Vởi mô hình khép kín như vậy, hiệu quả đào tạo được đảm bảo ngay từ đầu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với tổng kinh phí 25.980 tỉ đồng. Với đề án này, người đi học sẽ được phát thẻ học nghề và được hỗ trợ mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Với những ưu đãi như vậy, hy vọng trong thời gian tới, việc tuyển sinh dạy nghề cho LĐNT sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.
Đàm Anh/Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)