Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy nghề cho nông dân: Bài toán khó

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn cán bộ Hội Nông dân TP.HCM tham quan mô hình làm nấm ở Hóc Môn

Mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề và đến năm 2020, sẽ có khoảng trên 50% lao động nông thôn được đào tạo nghề. Con số này đang là bài toán khó đối với các bộ ngành có liên quan.
Nhu cầu học nghề lớn
Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), lao động nông thôn và lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần, tới năm 2015 chiếm khoảng 63,09% (33,1 triệu người) và năm 2020 chiếm khoảng 57,33% (32,1 triệu người). Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc cho biết hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, hàng năm cần đào tạo nghề cho khoảng 350.000 tới 400.000 người. Vùng chuyên canh cây nguyên liệu có nhu cầu lao động được qua đào tạo nghề khoảng 96.000 người. Con số này ở một số tập đoàn, tổng công ty lớn đến năm 2020 khoảng 800.000 người. Những ngành khác như đào tạo nghề của ngành du lịch giai đoạn 2009-2015 khoảng 20.000 người/năm, những năm sau đó khoảng 50.000 người/năm. Ngoài ra, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hàng năm khoảng 50.000 người. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tại 16 địa phương có số lượng đất thu hồi lớn, chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề. Còn hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới nên năng suất lao động, giá trị sản phẩm hàng hóa tạo ra không tương xứng với thời gian lao động. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được ban hành tản mạn, không thống nhất dẫn tới sự chồng chéo, kém hiệu quả và bất cập như bị giới hạn về đối tượng, thời gian đào tạo; mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp.
Dày đặc chương trình dạy nghề
Hiện đã có 114 bộ chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trong đó có 99 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 15 nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Về chương trình dạy nghề ngắn hạn, thường xuyên và sơ cấp nghề đã được các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dạy nghề xây dựng và ban hành. Các hội, đoàn thể cũng xây dựng tới… hàng trăm bộ chương trình, tài liệu chuyển giao công nghệ thông qua các dự án khuyến công, nông, lâm, ngư… Nhưng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động, thậm chí có chương trình, giáo trình dạy nghề đã lạc hậu. Cả nước hiện còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề, 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4. Thực tế tại Thanh Hóa, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho hay có huyện có tới tám trường THPT, bổ túc mà không hề có một trung tâm dạy nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp và hạn chế về chất lượng: 42 trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu, 39 trung tâm dạy nghề chỉ có một giáo viên cơ hữu… Ở cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về dạy nghề, thậm chí ngay cả nhiều giám đốc trung tâm dạy nghề cũng chưa đủ năng lực. Điều này đã khiến cho chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, một bộ phận học viên sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề, thu nhập thấp.
Chủ lực là trung tâm dạy nghề cấp huyện
Theo mục tiêu của dự thảo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020” của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2011 trở đi hàng năm đào tạo khoảng trên 1 triệu lao động nông thôn, tới năm 2020 lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn lên 2,5 lần so với hiện nay. Để thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ xã, từ năm 2009 tới 2020, tổng số kinh phí phải chi dự tính lên tới 77.150 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo. Theo Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc, sẽ chia đề án thành ba giai đoạn để thực hiện. Riêng giai đoạn đầu từ 2009-2010 thực hiện thí điểm các mô hình đào tạo phù hợp với nhiều nhóm đối tượng lao động nông thôn (lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp, lao động trong các khu công nghiệp, làng nghề…) với khoảng 50 nghề cho khoảng 19.000 người. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các ngành rà soát ngay và bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. “Đảm bảo đến năm 2015 mỗi huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề và huy động các cơ sở dạy nghề tư thục, doanh nghiệp, trang trại, dịch vụ… tham gia vào dạy nghề cho nông dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên nông thôn” – Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân quyết liệt. Ông Nhân cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành chức năng phải đặt rõ vấn đề: “người lao động phải được thông tin rõ về việc học nghề, trước khi đi học họ phải được tư vấn về việc làm và không để tình trạng học xong không có việc làm, cần có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm như thế nào”.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)