Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy nghề còn lắm bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phạm Phương Thảo cùng đoàn thăm Trường CĐKT Cao ThắngNgày 1-8, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn xã HĐND TP.HCM cùng lãnh đạo Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM đã đến thăm và làm việc với 4 cơ sở đào tạo nghề gồm Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công Nghệ Hùng Vương (tiền thân là Trung tâm Dạy nghề (TTDN) quận 5), Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TTDN quận Bình Thạnh và Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM. Mục đích chuyến đi nhằm nắm thêm những việc làm được cùng những bất cập trong công tác đào tạo nghề của thành phố.

Chưa đầu tư đúng mức

Ông Nguyễn Đức Doanh, Giám đốc TTDN quận Bình Thạnh cho biết: “Cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị thiếu đồng bộ; trình độ lẫn chất lượng đội ngũ giáo viên của trung tâm không đồng đều, thậm chí có độ chênh. Do những yếu tố đó nên số lượng học viên đến trung tâm ngày càng giảm”. Ông còn cho biết số lượng học viên đang theo học tại trung tâm khoảng 8.000 người, trong đó hầu hết là những đối tượng học nghề ngắn hạn. Một số người không hài lòng và đồng tình với con số trên vì thực tế số lượng học viên học nghề tại đây có thể rất thấp, có đại biểu cho rằng: “Chắc chắn trong số liệu học viên trung tâm đưa ra có số lượng rất lớn những người đăng ký học thi bằng lái xe gắn máy (A1), mà học lấy bằng lái xe gắn máy có phải đào tạo nghề?”. Ý kiến này rất có cơ sở. Vì trong quá trình tham quan trung tâm, chúng tôi thấy vắng bóng dáng học viên còn trang thiết bị thì “vẫn như ngày xưa”. Trong khi đó tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công Nghệ Hùng Vương, chỉ nhìn khu vực để xe của học viên đã làm nhiều thành viên trong đoàn phải “ngợp” vì số lượng xe của học viên rất nhiều. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề của trường cũng rất hiện đại, có máy trị giá hàng tỉ đồng. Rõ ràng sự đầu tư cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị luôn là yếu tố quyết định. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn xã HĐND nói: “Dạy nghề là một trong các biện pháp xóa đói giảm nghèo. Nếu không đầu tư hoặc có đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị nhưng đầu tư dàn trải thiếu tập trung cũng khó tạo hiệu quả trong dạy nghề.”. Dịp này, TTDN quận Bình Thạnh kiến nghị tăng học phí dạy nghề lên 20% và xin thành phố cấp kinh phí xây dựng bãi tập lái xe. Liệu việc tăng học phí hay xây dựng thêm có kéo học viên trở lại?

Học nghề: nhu cầu có thực

Tại bốn cơ sở, đại diện các đơn vị đều có chung nhận định: rất nhiều người muốn học nghề. Ông Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết: “Nếu các vị đến trường vào chiều tối sẽ thấy lượng người đến đây học nghề đông như thế nào?”. Minh chứng cho lời ông Đào Khánh Dư là hàng chục ngàn học viên đang học ở tại hàng chục trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và 351 trung tâm dạy nghề nằm trên địa bàn thành phố. Được biết, hiện nay các trường cao đẳng, trung cấp hay trung tâm đều liên kết đào tạo với các công ty, xí nghiệp. Chỉ riêng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã có đến 300 công ty liên kết đào tạo hay như Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng hoặc Cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Phú Lâm cũng có con số công ty đến đặt hàng lên đến hàng trăm. Tuy nhiên, việc để học viên quay lưng hay ngần ngại đến với học nghề là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các cơ sở dạy nghề chưa đánh giá đúng nhu cầu bức thiết nên đầu tư chưa sâu. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng: “Nhu cầu được đào tạo nghề là nhu cầu rất lớn của nhiều người. Thành phố đã đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của xã hội để việc đào tạo nghề được tốt hơn. Tuy nhiên việc phân luồng từ THCS và THPT còn nằm ở tỉ lệ rất thấp. Theo chủ trương của Nhà nước đến năm 2010, sẽ có khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp THPT được theo học các trường cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề (thế giới là 50%). Nhưng thực tế hiện nay, thành phố có khoảng 80% học sinh học tiếp phổ thông và có thể học lên tiếp đại học. Còn lại 20% học sinh học tại các trường nghề, và thực tế chưa hẳn tất cả 20% đó đang theo học các trường nghề. Có thể do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa đẩy mạnh; cần có kế hoạch cho đào tạo nghề thiết thực hơn. Thời gian tới, thành phố rà soát lại quy hoạch, chính sách thích hợp và đầu tư đúng mức. So với nhu cầu, hiện nay các trường nghề vẫn còn quá ít”.

Gian nan biết đến bao giờ

Một thực trạng hiện nay mà các trường dạy nghề đang gặp là các trường đại học thi nhau mở các hệ trung cấp chuyên nghiệp liên thông lên cao đẳng, đại học và ráo riết tổ chức tuyển sinh. Đó là cản ngại vô cùng lớn đối với các trường dạy nghề. Đối với các cơ sở đào tạo nghề chỉ dừng lại ở hệ cao đẳng nghề thì làm sao cạnh tranh nổi với các trường đại học. Trong khi chúng ta kêu gọi và khuyến khích các em học nghề thì sự ra đời của các hệ trung cấp nằm trong các trường đại học vô tình không chỉ làm chậm mà có thể dẫn đến sự “giãy chết” của các trường nghề. Khi sự bất cập này được tháo gỡ thì sự phát triển trường nghề sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Trả lời vì sao không ký kết với các công ty hay xí nghiệp nhận đào tạo, ông Nguyễn Đức Doanh, Giám đốc TTDN quận Bình Thạnh chua xót: “Do cơ sở của chúng tôi là trung tâm nên đành chịu”. Với thực trạng hiện nay đối với các trường dạy nghề, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cùng sự đầu tư đúng mức và cũng cần xem xét có nên tồn tại các hệ đào tạo nghề, trung cấp trong trường đại học. Chỉ có như vậy, dạy nghề mới có cơ hội vươn xa.

T.T.Q

Bình luận (0)