Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy nghề kiểu “quốc doanh” hiệu quả không cao

Tạp Chí Giáo Dục

Bức tranh dạy nghề ở Việt Nam có quá nhiều bất cập. Để thúc đẩy việc nâng chất lượng sản phẩm đào tạo, kích thích quá trình phân luồng hiệu quả cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Sinh viên lớp C13CK2 khoa cơ khí chế tạo Trường cao đẳng Nghề TP.HCM trong giờ thực hành tiện trên máy CNC - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên lớp C13CK2 khoa cơ khí chế tạo Trường cao đẳng Nghề TP.HCM trong giờ thực hành tiện trên máy CNC – Ảnh: Như Hùng

Trao đổi nhân câu chuyện cổ phần hóa trường dạy nghề công lập, TS Hoàng Ngọc Vinh – vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ 
GD-ĐT – cho biết:

– Việc tuyển sinh của trường nghề trong vài năm gần đây gặp khó khăn, cả ở trường công lập và ngoài công lập. Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

Ở các trường công lập, mức học phí thấp, sự hỗ trợ của doanh nghiệp hạn chế, lương của giáo viên không hấp dẫn nên khó khăn khi thu hút người có tay nghề giỏi làm giáo viên… Ngoài ra, suất đầu tư (không kể chi phí đầu tư xây dựng cơ bản) cho một người học rất thấp, khoảng 3,56 triệu đồng đến 4 triệu đồng/năm.

Nhà trường phải chật vật xoay xở ghép lớp, ghép nhóm đông hơn, thời lượng, vật tư, năng lượng điện dành cho thực tập tay nghề sẽ bị cắt giảm… nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Tư nhân hóa trong đào tạo nghề cần được hiểu là việc đào tạo nghề nên để doanh nghiệp làm! Để các công ty hay tập đoàn đào tạo nghề, cung cấp nhân lực có kỹ năng cho doanh nghiệp là xu hướng khá phổ biến trên thế giới.

Do bối cảnh kinh tế, khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng, chu kỳ đào tạo nghề 2-3 năm trở nên rất dài, khi người học ra trường thì công nghệ đã thay đổi nên các quốc gia thường tập trung làm tốt giáo dục phổ thông, còn đào tạo kỹ năng để tư nhân (doanh nghiệp) làm sẽ hiệu quả hơn.

TS Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: Ngọc Hà			Nếu phát biểu một quan điểm về tư nhân hóa công tác đào tạo nghề, thì tôi ủng hộ các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng cho người lao động
TS Hoàng Ngọc Vinh – Ảnh: Ngọc Hà

Nếu phát biểu một quan điểm về tư nhân hóa công tác đào tạo nghề, thì tôi ủng hộ các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng cho người lao động

* Như vậy, ông ủng hộ xu hướng cổ phần hóa các trường công lập như một số bộ, ngành đang thực hiện?

– Theo tôi, cần có nghiên cứu, đánh giá kết quả và những tác động của việc cổ phần hóa giáo dục để có chính sách, lộ trình thích hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề.

Chính sách cổ phần hóa trường học không nên chỉ dựa trên những giả thiết chủ quan của người thiết kế, mà phải có nghiên cứu thực tiễn.

Đối với những trường công lập quản lý yếu kém thì nên tái cấu trúc (có thể phải sáp nhập hoặc giải thể) hoặc cổ phần hóa nếu các nhà đầu tư có chiến lược phát triển khả thi, việc định giá tài sản (vô hình và hữu hình) phải hết sức minh bạch, chính xác…

Cần thiết phải có sự quy hoạch và tái cấu trúc mạng lưới đào tạo nghề trong sự hài hòa với hệ thống các trường THPT và các cơ sở giáo dục đại học. Ở đâu, những ngành nghề nào mà trường tư làm tốt hơn Nhà nước thì nên để tư nhân làm.

Còn lại, trường công được Nhà nước đầu tư nên đào tạo những ngành nghề tư nhân không làm, hoặc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cơ hội bình đẳng tiếp cận học nghề cho tất cả mọi người.

* Quan điểm của ông ra sao trong việc để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo nghề?

– Việc doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo nghề là một định hướng chiến lược đúng đắn. Doanh nghiệp là nơi biết nhu cầu của mình nhất, đào tạo theo trang thiết bị, tiêu chuẩn của ngành sản xuất, dịch vụ. Dạy nghề kiểu “quốc doanh” như hơn một thập kỷ qua cho thấy hiệu quả không cao, năng suất lao động chưa như mong muốn, và khá lãng phí trong đầu tư.

Doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng đào tạo với cả trường công, trường tư, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh thực tập tay nghề tại doanh nghiệp; hoặc doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ để đào tạo nghề cho chính mình.

Khi đầu ra ở các trường nghề chưa dự báo được, việc làm tạo ra không tương xứng với số người bước vào thị trường lao động thì tốt nhất nên tiếp tục cải thiện giáo dục phổ thông, và để doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề cho những đối tượng này. Người học nghề sẽ bớt rủi ro hơn và Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề.

* Niềm tin vào chất lượng đào tạo, việc tăng cơ hội việc làm có phải là yếu tố căn bản thu hút người học nghề, góp phần đẩy mạnh phân luồng? Để thúc đẩy việc này, tư nhân hóa có phải hướng đi duy nhất?

– Đúng như vậy. Đào tạo nghề được coi là một lĩnh vực thuộc về dịch vụ, và người ta chỉ sử dụng dịch vụ khi có lòng tin vào chất lượng dịch vụ. Chất lượng đào tạo nghề cần thể hiện ở tay nghề được doanh nghiệp chấp nhận cùng các kỹ năng mềm khác, cũng như cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Việc để doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề đã được kiểm chứng ở nhiều nền kinh tế, trong đó gồm cả đào tạo nghề ban đầu, đào tạo lại và đào tạo liên tục. Thay vì Nhà nước đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động chưa hiệu quả như hiện nay, thì cần nghiên cứu để có cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề.

Ở Mỹ, năm 2012, trong số 524 tỉ USD dành cho giáo dục nghề nghiệp thì có đến gần 444 tỉ USD dành cho đào tạo nghề ở doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đào tạo nghề không phải là hướng đi duy nhất, mà điều này còn tùy thuộc vào ngành kinh tế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ở những vùng kinh tế còn chậm phát triển, hoặc những lĩnh vực cần nhân lực mang tính trọng điểm của ngành kinh tế, những lĩnh vực tư nhân không thể làm được thì Nhà nước cần gánh vác trách nhiệm này.

Phân luồng học sinh theo các con đường học tập khác nhau ở ta đã không thành công, do mục đích và phương tiện không thống nhất.

Theo tôi, việc phân luồng phải hướng đến việc làm và thu nhập của người học, mà không phải phân luồng vì bằng cấp. Khi đó sẽ thấy vai trò của doanh nghiệp lớn hơn để đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Không thể đơn giản hóa việc tư nhân hóa

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, tư nhân hóa thông qua việc cổ phần hóa nhà trường hoàn toàn khác với việc cổ phần hóa một doanh nghiệp. Bởi sản phẩm giáo dục của nhà trường khác hoàn toàn với sản phẩm của doanh nghiệp, nên không thể đơn giản hóa việc này.

Hơn nữa, việc cổ phần hóa nhà trường phải chú ý nhiều đến tâm lý, văn hóa của đội ngũ giáo viên, cũng như thu nhập của giáo viên khi cổ phần hóa.

Đồng thời, cần quan tâm đến quyền lợi của người học. Chất lượng nhân lực được đào tạo ra cần được xem là trung tâm của mọi chính sách giáo dục.

 

HỒNG VÂN/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)