Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy nghề năm 2011: Đầu tư những ngành mũi nhọn

Tạp Chí Giáo Dục

 

Nghề cơ điện được xác định là ngành mũi nhọn trong đào tạo năm 2011. Ảnh: T.L
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (TCDN) – Bộ LĐ-TB-XH, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2011 sẽ là nghề có liên quan đến kỹ thuật như: Cơ điện tử, lắp máy, xúc ủi hoặc nghề hàn bậc cao, lập trình viên, kỹ thuật viên máy tính. Tiếp theo là nhóm nghề điện tử, dệt may – da giày, tài chính – ngân hàng, chế biến thực phẩm, quản lý điều hành, nhân sự, mộc – mỹ nghệ, trang trí nội thất, xây dựng – kiến trúc.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động (LĐ) cũng sẽ tăng mạnh đối với các nhóm công việc mang tính thời vụ như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, vệ sinh công nghiệp, bán hàng.
Đào tạo trình độ cao và lao động nông thôn
Như vậy, theo ông Sâm, hai nhiệm vụ chiến lược về đào tạo nghề sẽ được triển khai đồng bộ trong năm 2011 là: Đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ đó, TCDN cũng đang hướng tới hình thức liên kết giữa các trường với doanh nghiệp (DN) để cùng hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ nhất là việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho những ngành nghề trên.
Đối với những ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao, sẽ đào tạo theo hình thức đáp ứng hợp đồng đặt hàng. Với mạng lưới cơ sở dạy nghề của cả nước tính đến tháng 12-2010, với 123 trường CĐN (90 trường công lập); 301 trường TCN (206 trường công lập) và 760 trung tâm dạy nghề (TTDN) (483 trung tâm công lập, trong đó có 349 TTDN cấp huyện). Hệ thống này sẽ tiếp tục được rà soát điều chỉnh bổ sung về quy mô, cơ cấu cấp trình độ, ngành nghề đến năm 2020 sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. TCDN cũng sẽ chỉ đạo mỗi tỉnh có một trường có năng lực đào tạo ít nhất 2 nghề đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu của thị trường lao động của địa phương bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Vấn đề năng lực quản lý dạy nghề của cán bộ các cấp cũng sẽ được ngành quan tâm bằng việc thành lập phòng quản lý dạy nghề ở các sở LĐ-TB-XH chưa có; bổ sung cán bộ có năng lực cho phòng quản lý dạy nghề còn yếu ở các sở LĐ-TB-XH; bổ sung cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề ở phòng LĐ-TB-XH các huyện. Tất nhiên việc đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề cũng sẽ được chú ý. Mặt khác, ngành cũng có kế hoạch phát triển các trường CĐN, TCN của các ngành, địa phương mà nhất là các tỉnh ở vùng Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, các tỉnh khó khăn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giảm khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền, địa phương. Đi liền với việc đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy nghề về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và trình độ kỹ năng nghề; áp dụng chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên dạy nghề của các nước phát triển; định kỳ 3 đến 5 năm giáo viên, giảng viên dạy nghề được bồi dưỡng, cập nhật phương pháp đào tạo, công nghệ, kỹ thuật mới và đi thực tế sản xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài nước thì TCDN sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu LĐ kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường LĐ trong nước và xuất khẩu LĐ. Cụ thể, sẽ mời một cơ quan kiểm định nước ngoài tới đánh giá, thẩm định chất lượng dạy nghề độc lập để công nhận chất lượng nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Điều này sẽ giúp LĐ Việt Nam có thêm cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà mở rộng hơn tới tầm thị trường lao động của khu vực và thế giới.
Trên 1,8 triệu lao động sẽ được đào tạo
Theo kế hoạch của ngành đào tạo dạy nghề, trong năm 2011 sẽ đào tạo tuyển sinh dạy nghề cho hơn 1.860.000 người; trong đó hệ CĐN, TCN là 420.000 người (tăng 16,5% so với thực hiện năm 2010); hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 LĐ nông thôn. Tuy nhiên trong năm 2011, sẽ chọn ra những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, xã hội đang thiếu để tập trung nâng cao chất lượng. Theo số liệu dự báo từ Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề từ nay tới năm 2020 cho thấy nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của một số ngành mũi nhọn sẽ khoảng 800.000 người, tập trung vào một số ngành như: Dệt – may 530.000, điện lực 151.000, công nghiệp tàu thủy 50.000, lắp máy 15.000… Để từng bước đáp ứng nhu cầu trên, ngành đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng chú ý tới nhu cầu cấp thiết trước mắt cũng như nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.
Với việc hợp tác quốc tế về dạy nghề ngày càng được mở rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là với những quốc gia đang nhận lao động Việt Nam có chất lượng cao thì đây cũng là một hướng khả thi để ngành đào tạo nghề có thêm nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề. Sự kết hợp đào tạo giữa một số trường trong nước được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên với các cơ sở đào tạo tiên tiến của nước ngoài nhất là một số ngành mũi nhọn là một hướng đi đúng hiện nay.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)