Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đang đòi hỏi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Vì thế, công tác dạy nghề cho khu vực này cần được đổi mới để nâng cao hiệu quả đào tạo và góp phần tạo thêm việc làm, tận dụng thời gian nông nhàn, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các cơ sở kinh tế, kết cấu hạ tầng, nâng cao dần đời sống vật chất, văn hóa cho người dân ở nông thôn.
Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ðề án của Thủ tướng Chính phủ về Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã nêu lên những mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện trong việc phát triển nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn. Ðào tạo nghề cho khu vực nông thôn cần phải nắm thật sát quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, yêu cầu nhân lực thực tế của từng vùng, từng địa phương mà có chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên… để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển của mỗi địa phương. Tuy vậy, thực trạng công tác dạy nghề ở nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn khá nhiều cơ sở dạy nghề chỉ "dạy cái mình có, không dạy cái thị trường cần" hoặc "cái nông dân cần thì không dạy, lại dạy cái nông dân không cần". Hàng trăm trường cao đẳng, trường trung cấp, gần 2.000 trung tâm và cơ sở dạy nghề trên cả nước, trong đó có nhiều trường và cơ sở của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được xây dựng với trang thiết bị khá tốt nhưng lại không tuyển đủ học viên. Thực tế này cho thấy, việc dạy nghề ở nông thôn của hệ thống các trường công lập hiện chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, không gắn với yêu cầu lập nghiệp của lao động trẻ. Nhiều người học xong không tìm được việc làm, hoặc nơi tiếp nhận phải bỏ kinh phí, thời gian đào tạo lại…
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp đã chủ động mở nhiều trường lớp dạy nghề và bổ túc nghề cho khu vực nông thôn. Nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bổ túc nghề gắn kết chặt chẽ nhu cầu sử dụng của các đơn vị, doanh nghiệp, thuận tiện cho người học và học xong là làm việc được ngay, thu nhập đủ sống. Một kinh nghiệm rất tốt là việc dạy nghề và cấy nghề do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đúc kết qua thực tế là trong các làng nghề tổ chức các lớp dạy nghề, bổ túc nghề mà thầy giáo chính là các nghệ nhân, thợ giỏi. Các học viên được học nghề ngay tại làng quê mình, được tiếp thu kiến thức trực tiếp qua các nghệ nhân, thợ giỏi cũng như những phương tiện làm nghề tại chỗ để thực hành.
Ðể nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ở nông thôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng của trung ương và địa phương điều phối thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm làng nghề, các cơ sở chế biến nông sản. Sự phối hợp này càng chặt chẽ, nhịp nhàng thì công tác đào tạo nghề ở nông thôn ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí, thất thoát; đồng thời thu được kết quả cao trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống người dân ở nông thôn trong cả nước.
Theo VĂN KHÁNH
(LaoDomg)
Bình luận (0)