Số lượng và thứ bậc khác nhau nhưng các địa phương trong cả nước đều có trường dạy nghề. Chương trình học và cách dạy na ná như nhau, thậm chí nhiều nơi đào tạo nghề theo "phong trào” để cấp chứng chỉ, còn sau đó người học có việc làm hay không thì… mặc kệ. Chỉ quan tâm "đầu vào”, bởi đầu vào (khâu tuyển sinh) gắn liền với lợi ích vật chất của cơ sở đào tạo.
Trong khi đó "đầu ra” là vấn đề quan trọng bậc nhất của người học nghề lại ít được chú trọng. Hai khâu này đang rất vênh nhau tại nhiều cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên trong thực tế đã có những đơn vị rất chú trọng giải quyết "đầu ra” gắn với "đầu vào” trong quá trình dạy nghề, đó là Trường trung cấp nghề quốc tế Việt – Úc.
Hà Nội hiện có gần 300 trường dạy nghề nhưng trường Việt – Úc là lá cờ đầu thực hiện phương thức dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Dựa vào "đầu ra” để tuyển sinh "đầu vào”, cách làm này của trường Việt – Úc tạo ra sự khác biệt so với nhiều cơ sở dạy nghề hiện đang hoạt động tại các địa phương. Những người được đào tạo nghề tại trường này coi như cầm chắc việc làm trong tay sau khi tốt nghiệp. Trước khi đào tạo, nhà trường giải quyết khâu đầu tiên và cơ bản nhất là khảo sát thị trường, qua đó tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Số lượng tuyển sinh cũng như các loại nghề đào tạo là tùy thuộc vào hợp đồng đã ký với đơn vị sử dụng lao động.
Căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp (thể hiện trong các hợp đồng đã ký) trường Việt-Úc khắt khe về chất lượng ngay từ khâu tuyển sinh. Trong quá trình đào tạo, cứ 2 tháng 1 lần, trường tổ chức kiểm tra chất lượng qua đó loại bỏ những trường hợp không đạt tiêu chuẩn (kể cả chuyên môn cũng như đạo đức). Học viên là sản phẩm của nhà trường, nếu để "hàng hóa kém chất lượng” lọt ra thị trường không chỉ làm mất uy tín cơ sở đào tạo mà còn gây hại cho xã hội. Tiếc rằng quan điểm chuẩn mực này chưa được thực hiện tại nhiều cơ sở đào tạo, kể cả một số trường trong hệ đại học.
Quá trình học nghề tại trường Việt-Úc học viên được trả lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau khóa học được cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký, mức lương còn cao hơn nhiều.
Đừng tưởng rằng dạy nghề theo đơn đặt hàng sẽ bị bó hẹp về số lượng so với đào tạo tràn lan, bất chấp nhu cầu thị trường. Thực tế ở trường Việt-Úc đã chứng minh ngược lại, số lượng người học nghề vẫn tăng ở mức không nhỏ. Riêng khóa học 2010-2011, số lượng người học nghề tăng thêm hơn 50% so với dự kiến ban đầu. Lợi thế lao động giá rẻ vì tay nghề thấp đã đi qua. Thị trường đang đặt ra nhu cầu cung ứng lao động có tay nghề bậc cao mà theo cách làm của trường Việt-Úc là một mô hình hiệu quả, thiết thực.
Bá Tân
Bình luận (0)