Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem như cơ hội "vàng" cho hàng triệu lao động, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, người lao động ra trường có việc làm không hề đơn giản. Nắm bắt được nhu cầu và thực tế ở địa phương, Trường Trung cấp nghề Điện Biên đã chọn cho mình hướng đi riêng…
Học viên được đào tạo làm việc tại Cty CP càphê Thái Hòa.
"Cầm tay chỉ việc"
Để góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, tỉnh Điện Biên đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ nhận thức, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nắm bắt được chủ trương đó, Trường Trung cấp nghề Điện Biên đã phối hợp với các ban ngành, tổ chức triển khai nhiều mô hình dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo nhà trường tâm sự: "Trước khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, chúng tôi đã triển khai mở nhiều lớp dạy nghề cho nông dân. Điện Biên có tới 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí thấp nên khả năng canh tác còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lối sống du canh du cư, hủ tục lạc hậu khiến việc triển khai dạy nghề gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông… triển khai tuyên truyền chương trình dạy nghề xuống tận xã, bản để bà con chọn nghề phù hợp".
Theo đó, hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt nông dân tham gia. Cán bộ khuyến nông là những người chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ nhóm tại thôn, bản, góp phần làm thay đổi nhận thức người dân. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều kênh thông tin như: phát thanh – truyền hình, tờ rơi, áp phích, thành lập các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, tuyên truyền các gương điển hình làm kinh tế giỏi cũng phát huy những hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Viết Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dạy nghề theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" là yếu tố cần thiết để giúp lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiến bộ kỹ thuật một cách nhanh nhất. Tuy vậy, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường nguồn lực để đầu tư mua sắm các trang thiết bị, vật tư thực hành, xây dựng giáo trình học nghề theo hướng coi trọng phương pháp thực hành để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao hơn".
Nhiều mô hình phát huy hiệu quả
Trường Trung cấp nghề Điện Biên từ lâu đã trở địa chỉ quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, trường đã tổ chức đào tạo 26 nghề. Năm 2009-2010, đã có trên 3.000 học viên ra trường, tỷ lệ học viên có việc làm chiếm 90%. Các nghề "hút" lao động nhất là kỹ thuật trồng rừng, chăn nuôi, hàn, máy xúc, máy ủi… Theo ông Tuấn, học viên xuất sắc sau khi ra trường được tuyển chọn và đưa đi bồi dưỡng thêm kiến thức để trở thành "hạt nhân" trong việc dạy và giám sát học viên đến từng bản.
Năm 2009, Trường đã tổ chức hàng trăm chuyến đưa học viên đi các tỉnh tham quan mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi như: nuôi gà đồi ở Yên Thế (Bắc Giang), nuôi lợn ở Bình Lục (Hà Nam), trồng rừng ở Hòa Bình… Sau khóa học và được đi tham quan, về địa phương nhiều người đã áp dụng vào thực tế sản xuất, mô hình đã phát huy hiệu quả. Tiêu biểu là lớp học trồng rừng, đợt triển khai ở xã Xìn Thầu (Mường Nhé), học viên trong lớp đã trồng được 54ha, trong đó có 12 vạn cây tếch…
Tại huyện Mường Ảng, được sự đầu tư của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, nhiều mô hình sản xuất lớn đã được triển khai. Tiêu biểu là Công ty cổ phần Càphê Thái Hòa với dự án trồng càphê. Doanh nghiệp này đã nhận hàng trăm lao động kỹ thuật trồng càphê do Trường Trung cấp nghề Điện Biên đào tạo.
Từ thực tế triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT ở Điện Biên thấy, muốn chương trình thành công, cần có sự kết nối giữa nguồn lao động với nguồn việc làm, giữa người lao động với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp.
Theo Phạn Tuấn
(KTNT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)