Trao đổi bằng tiếng Anh với GV bản xứ ở Trường Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương |
Mới đây, tại TP.HCM, một trường quốc tế đã mạnh dạn chuyển đổi đào tạo theo hệ thống khối lớp sang hệ tín chỉ như các trường ĐH. Rõ ràng, trong điều kiện hiện nay, các trường phổ thông đại trà khó có thể áp dụng được mô hình này, dù đây là hướng đi có nhiều lợi ích. Song, nhiều ý kiến cho rằng, có tính khả thi khi thực hiện học chế tín chỉ cho môn Ngoại ngữ ở trung học!
Đột phá ở Trường Quốc tế Mỹ
Đầu tháng 4 vừa qua, Trường Quốc tế Mỹ (TP.HCM) vừa tổ chức buổi giới thiệu chương trình giảng dạy theo hệ thống tín chỉ, thay vì khối lớp cho phụ huynh học sinh. Theo đó, vào năm học 2009-2010, Trường Quốc tế Mỹ sẽ đổi từ hệ thống khối lớp hiện tại sang hệ thống tín chỉ như các trường đại học với nhiều hướng tốt nghiệp khác nhau. Có nghĩa rằng các môn lấy từ lớp 9 trở lên sẽ được công nhận và chuyển thành tín chỉ, sau đó học sinh sẽ tự chọn hướng tốt nghiệp của riêng mình dựa trên các tín chỉ đã hoàn thành, các môn học tiên quyết, các môn học song hành, các yêu cầu đặc biệt của các trường Đại học Mỹ và các môn học tự chọn. Ví dụ, học sinh lớp 9 cần hoàn thành ¼ của tổng số tín chỉ, học sinh lớp 10 cần hoàn thành một nửa của tổng số tín chỉ, học sinh lớp 11 cần hoàn thành 3/4 của các lớp bắt buộc, và học sinh lớp 12 sẽ hoàn thành 100% tổng số tín chỉ. Đăng ký vào các lớp học sẽ theo phương pháp người đăng ký trước được ưu tiên trước và giúp các em làm quen với thủ tục đăng ký lớp tại các trường đại học. Số lượng học sinh trong một lớp phải là ít nhất 12 học sinh và số lượng cao nhất là 20 học sinh. Học sinh khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng tú tài Hoa Kỳ (ngoài ra còn có các chứng chỉ như: chứng chỉ tú tài quốc tế, bằng tú tài nâng cao AP, chứng chỉ một số môn nâng cao AP…). TS Mark Uerkvitz, hiệu trưởng Trường Quốc tế Mỹ, cho biết: việc học theo hệ tín chỉ sẽ giúp các em học sinh chủ động và có trách nhiệm hơn trong học tập. Các em được quyền lựa chọn một lĩnh vực chuyên môn và riêng biệt để giúp hồ sơ đăng ký nhập học vào các trường ĐH của mình có ưu thế hơn, gia tăng khả năng được chấp nhận và dễ dàng xin được visa khi đi du học. Các em cũng có thể tốt nghiệp sớm hơn thời hạn nếu đảm bảo được số tín chỉ theo quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, học sinh được đào tạo theo hệ thống tín chỉ này khi vào các trường ĐH ở Mỹ, Canada… sẽ được miễn giảm thời gian học các môn đại cương 1-2 năm.
Việc đào tạo tín chỉ ở trung học đã được giáo dục các nước tiên tiến áp dụng, khi điều kiện tổ chức quản lí giảng dạy đảm bảo và các trường CĐ, ĐH rộng cửa công nhận. Chẳng hạn như ở Úc, tại Trường trung học Williamtown (bang Victoria), một số du học sinh Việt Nam du học tại đây cho biết đã vận dụng cách học này để có lợi hơn khi đăng ký vào một ngành nghề hay trường ĐH, CĐ nào đó. Em Nguyễn Thanh Trang (TP.HCM) cho biết em chọn học ngành thiết kế ở bậc đại học nên lớp 11 Trang học sáu môn: vẽ mỹ thuật công nghiệp, hai môn toán, kế toán, tiếng Anh và tiếng Việt. Còn Lâm Nhã Thi (Bình Thuận) đã chọn hướng ngành kinh tế nên từ lớp 11, 12 em tính chọn một ban như ban thương mại, khoa học hoặc nghệ thuật… Mỗi môn học gồm hai tín chỉ.
Có thể vận dụng dạy học tín chỉ trung học với ngoại ngữ?
Trường Quốc tế Mỹ áp dụng được mô hình dạy học theo tín chỉ, dĩ nhiên, có những điều kiện nhất định về kinh nghiệm, tài chính, cơ sở vật chất; đặc biệt là chương trình của họ đã được liên thông với các ĐH của Hoa Kỳ. Rõ ràng, trong điều kiện các trường ĐH của Việt Nam còn vất vả với đào tạo theo tín chỉ, thì việc đặt ra vấn đề này ở trường phổ thông đại trà quả là quá sức, nhất là trong điều kiện chưa có sự liên thông chương trình giữa phổ thông và ĐH. Tuy nhiên, trong một giới hạn hẹp, như môn ngoại ngữ, vấn đề đào tạo tín chỉ và công nhận tín chỉ ngoại ngữ bậc phổ thông của các trường ĐH không chuyên ngữ là cần thiết hướng tới. Tại một hội thảo về đào tạo tiếng Anh bậc ĐH gần đây, một chuyên gia của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Mục đích cơ bản của dạy và học ngoại ngữ khối không chuyên là dùng ngoại ngữ như một công cụ đắc lực để học tập thêm chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Ngoại trừ một số ít học sinh ở các vùng quá khó khăn, những học sinh còn lại đều có học ngoại ngữ nhiều năm ở phổ thông. Môn ngoại ngữ lại là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên ít nhiều học sinh đều có những nỗ lực nhất định để học ngoại ngữ, vậy thì tại sao khi lên ĐH (khối không chuyên ngữ) lại bắt các em học lại từ đầu?. Chị Lan Anh- giáo viên tiếng Anh ở trường THPT có tiếng của TP.HCM cho biết: Ở bậc phổ thông, bình quân mỗi lớp học ngoại ngữ 3 tiết/tuần, mỗi năm khoảng gần 90 tiết. Theo chương trình tiếng Anh 7 năm (THCS và THPT), học sinh được học hơn 600 tiết; trường hợp học chương trình tiếng Anh 3 năm THPT thì học sinh cũng học được khoảng 250 tiết. Đặc biệt, hiện nay, HS phổ thông còn theo học tại các trung tâm ngoài giờ nên học cũng tương đối. Như vậy, không chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc để học ngoại ngữ trong mấy năm học phổ thông, việc dạy lại ngoại ngữ từ đầu ở ĐH là một việc làm không trân trọng kết quả của giáo viên và học sinh ở phổ thông. Dạy lại từ đầu làm nản lòng hầu hết SV vì họ không được tiếp thu trình độ cao hơn những năm học ở phổ thông, số SV có trình độ ngoại ngữ tốt thì lại hay bị phê bình "thiếu chuyên cần" vì không thể cứ chuyên cần đến lớp để chỉ nghe thầy cô dạy những điều quá cơ bản mà họ đã thông thuộc từ lâu! Theo đề án giảng dạy tiếng Anh đến năm 2020 thì tới đây học sinh tiểu học sẽ được học tiếng Anh từ năm lớp 3. Đối với khối THPT, học sinh sẽ được học một môn giảng bằng tiếng Anh và phấn đấu đến năm 2020, 80% học sinh THPT được học tiếng Anh. Nếu tổ chức dạy ngoại ngữ theo hình thức tín chỉ ở trung học, cho phép liên thông, tiếp nối với bậc ĐH thì sẽ tiết kiệm thời gian cho HS rất nhiều.
Theo GD&TĐ
Bình luận (0)