Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy nhạc theo chương trình giáo dục phổ thông mới: Ngổn ngang nhiều mối lo

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, ở nhiều trường sư phạm, số lượng tiết học thực hành quá ít, sinh viên vừa làm quen với một loại nhạc cụ thì đã kết thúc môn học. Ngoài ra, theo giáo viên dạy nhạc của một trường THPT, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên bộ môn này hiện nay quá thấp nên không giữ chân được người giỏi.

Học sinh Trường TH Lạc Long Quân (quận 11) thực hiện kỹ năng biểu diễn với nhạc cụ dân tộc

Học sinh Trường TH Lạc Long Quân (quận 11) thực hiện kỹ năng biểu diễn với nhạc cụ dân tộc

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu triển khai từ lớp 1 vào năm học 2020-2021, bậc THCS áp dụng từ năm học 2021-2022 và THPT từ năm học 2022-2023. Trong đó, bộ môn âm nhạc lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở bậc THPT, khác với chương trình giáo dục hiện hành chỉ dạy ở hai bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các điều kiện chuẩn bị về con người và cơ sở vật chất đều gặp khó khiến các trường lo ngại về hiệu quả thực hiện.

Nguồn lực yếu và thiếu

Mới đây, tại tọa đàm “Thực trạng đào tạo giáo viên dạy môn âm nhạc cho các trường phổ thông” do Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM tổ chức, ThS. Nguyễn Xuân Chiến, Phó trưởng Khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Sài Gòn cho biết, hiện nay chương trình âm nhạc được dạy từ lớp 1 đến lớp 9 với thời lượng khá ít ỏi, 1 tiết/tuần. Trong đó, nhiều trường học không có phòng dạy nhạc, nhạc cụ thiếu, mỗi trường chỉ có 1 – 2 giáo viên dạy nhạc, có nơi sử dụng cả đội ngũ kiêm nhiệm nên trình độ chuyên môn không đồng đều giữa các đơn vị. 

Thêm vào đó, theo bà Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, so với các môn học khác ở trường phổ thông, bộ môn âm nhạc còn nhiều khó khăn về chương trình và phương pháp đào tạo, chưa khắc phục được tình trạng thiếu phương tiện học tập và thực hành. 

Hiện nay, ở nhiều trường sư phạm, số lượng tiết học thực hành quá ít, sinh viên vừa làm quen với một loại nhạc cụ thì đã kết thúc môn học. Ngoài ra, theo giáo viên dạy nhạc của một trường THPT, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên bộ môn này hiện nay quá thấp nên không giữ chân được người giỏi.

Số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong tổng số hơn 16.000 giáo viên dạy nhạc đang công tác trên cả nước, chỉ có 613 người có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 3,9%), 86% người có trình độ cao đẳng và trung cấp, gần 7% giáo viên còn lại là kiêm nhiệm, tức giáo viên ở các bộ môn khác được phân công dạy thêm âm nhạc. 

Tại TPHCM, từ năm học 2016-2017, UBND TP đã giao Sở GD-ĐT xây dựng Đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, việc triển khai chủ yếu dựa vào các nguồn thu xã hội hóa nên chất lượng thực hiện mỗi nơi một kiểu. Tại nhiều trường học, việc mua sắm nhạc cụ, trang thiết bị hoặc tổ chức các buổi biểu diễn, nói chuyện chuyên đề về âm nhạc rất thưa thớt do không có kinh phí thực hiện. 

Một giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM chia sẻ, trước đây cô từng dạy nhạc ở trường phổ thông nhưng chỉ được ký hợp đồng theo kiểu “dạy cho đủ tiết”, “lấp đầy thời gian trống của thời khóa biểu” chứ bộ môn không được coi trọng nên đã xin nghỉ việc. 

Quan tâm chất lượng đội ngũ từ trường sư phạm 

Theo chương trình GDPT mới, từ lớp 1 đến lớp 9, âm nhạc là một trong những môn học bắt buộc nhưng từ lớp 10 đến lớp 12, đây là một trong những môn học do học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Trong đó, nội dung dạy học lần đầu tiên đưa thêm kiến thức về nhạc cụ và hợp xướng vào giảng dạy. Chương trình được biên soạn theo hướng mở nhằm giúp giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải, đảm bảo mục tiêu hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh thông qua các kỹ năng: thể hiện (tái hiện, trình bày hoặc biểu diễn bài nhạc), cảm thụ (thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, biểu lộ thái độ và cảm xúc thông qua ngôn ngữ cơ thể), phân tích và đánh giá (vận dụng kiến thức, kỹ năng, tư duy để phân tích và đánh giá về các phương tiện diễn cảm của âm nhạc), sáng tạo và ứng dụng âm nhạc (sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác).

Theo ban soạn thảo chương trình, chương trình GDPT mới kế thừa khoảng 60% nội dung chương trình giáo dục hiện hành, thời lượng tổ chức 35 tiết/năm học. Đối với riêng bậc THPT, do âm nhạc là môn tự chọn, không bắt buộc tất cả học sinh cùng tham gia nên đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, các trường có thể sử dụng đội ngũ thỉnh giảng. 

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giáo viên dạy bộ môn này, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng cần tập trung công tác đào tạo từ trường sư phạm. ThS. Vũ Công Minh, giảng viên Khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM đề xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo ở trường sư phạm.

Cụ thể, chỉ cần 1 chiếc iPad, bút cảm ứng, màn hình chiếu, 1 bộ loa bluetooth, giảng viên có thể điều khiển mọi hoạt động giảng dạy ở hội trường có số học sinh đông, ngoài ra, có thể sử dụng nhiều phần mềm công nghệ hiện đại để dạy một số nội dung về tiết tấu, cao độ…

Riêng đối với sinh viên chuyên ngành âm nhạc, vị này khuyến cáo nên tận dụng điện thoại thông minh để hỗ trợ việc dạy học như sử dụng tính năng thu âm trực tiếp, đo độ cao âm thanh, chép nhạc… giúp việc luyện tập có thể diễn ra ở bất kỳ đâu. 

Song song đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng ngoại ngữ hiện nay là một trong những rào cản lớn trong việc nghiên cứu, tiếp cận các nguồn tài liệu trên thế giới, do đó trường sư phạm cần tăng cường nhiều hơn nữa kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên, đồng thời tạo thêm điều kiện thực hành, giúp nâng cao năng lực giảng dạy thực tế của sinh viên khi các em tốt nghiệp ra trường.

Theo Minh Quân/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)