Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy nhanh tiến độ, tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai Đề án 06

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 14-11, tại TP.HCM, ông Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP.HCM và Trung tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị còn có ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh thành. Đề án 06/CP là “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Dịch vụ công TP.HCM đạt điểm trung bình

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đánh giá tổng thể kết quả triển khai Đề án 06 của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, về dịch vụ công: 7 địa phương có điểm đánh giá đạt loại tốt (Bình Phước, Thái Nguyên, Bình Dương, Thanh Hóa, Kiên Giang, Nam Định, Quảng Nam); 2 địa phương đạt điểm khá là Phú Thọ và Ninh Thuận; 3 địa phương đạt điểm trung bình là Thái Bình, Đồng Nai và TP.HCM.

Về tỷ lệ số hóa hồ sơ, có 8 địa phương có điểm đánh giá khá và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tương đối tốt; 3 địa phương có điểm đánh giá thấp và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử thấp (Ninh Thuận; TP.HCM và Đồng Nai). Về số hóa dữ liệu, đối với dữ liệu hộ tịch, tính đến ngày 11-11-2024, trên toàn quốc đã có 15 địa phương hoàn thành, 18 địa phương cơ bản đã hoàn thành, 8 địa phương chưa hoàn thành… Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, đã có 47 địa phương trên toàn quốc chính thức triển khai cấp phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện khiến một số chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Theo bà Thúy, một số nguyên nhân là trách nhiệm của người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, chưa kịp thời phát hiện, báo cáo khắc phục khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP mới kết nối ổn định với hệ thống của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ ngành còn lại vẫn chưa kết nối được…

Bên cạnh đó, thời gian đồng bộ dữ liệu về cho TP.HCM đối với thủ tục hành chính thực hiện trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ ngành còn chậm; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của TP còn thấp.

Bà Thúy kiến nghị các bộ ngành, cơ quan Trung ương phối hợp chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính về cho TP.HCM theo thời gian đề xuất là định kỳ hàng tháng; công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện số hóa thành phần hồ sơ theo quy định để TP địa phương hóa việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM theo Nghị quyết số 108 của Chính phủ, TP kiến nghị các bộ ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện kết nối đường truyền, chia sẻ dữ liệu để triển khai thực hiện mô hình một cấp theo quy định.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho hay, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu. Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án 06.

Phó Thủ tướng cho biết, qua theo dõi vẫn còn một số địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi; việc triển khai các mô hình điểm còn mang tính hình thức, chưa có kết quả rõ nét; chưa phát huy tốt vai trò của Đề án 06 đối với phát triển kinh tế – xã hội và quản lý xã hội; một số địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024…

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06. Đối với các bộ ngành chức năng, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tập huấn, bố trí nguồn lực, bổ sung và hoàn thiện danh mục, tiêu chí để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương thuộc phạm vi, lĩnh vực của đơn vị mình quản lý.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tinh thần bám sát kế hoạch, có lộ trình, giải pháp khả thi trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần lưu ý rà soát và sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, triệt để trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 ký kết kế hoạch phối hợp công tác với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Kiên Giang

Tại hội nghị, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ký kết kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai; ký kết kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Kiên Giang trong thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP.Phú Quốc.

Trần Văn

Bình luận (0)