TP.HCM hiện có nhiều công trình dự kiến khởi công cũng như hoàn thành trong năm 2021 hoặc đang nghiên cứu đầu tư trong năm 2021. Những công trình này giúp kết nối phát triển kinh tế vùng, góp phần thay đổi diện mạo TP.
TP.HCM có nhiều công trình dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2021
1. Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho biết, gói thầu CP1a, nơi đang xây dựng nhà ga Bến Thành đến thời điểm này đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ để lấp đất mặt đường Lê Lợi (từ Công viên Quách Thị Trang đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sau đó sẽ lấp đất các đoạn còn lại từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nhà hát TP. Dự kiến thời gian tái lập mặt đường Lê Lợi vào quý 4/2021. Cũng theo MAUR, trong năm nay sẽ tiến hành chạy thử và chính thức vận hành đoàn tàu Metro số 1 để phục vụ người dân.
Cầu Thủ Thiêm là một trong những công trình dự kiến hoàn thành trong năm nay. Công trình có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (Q.1) vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị Thủ Thiêm. Dự án dài hơn 1,4km, trong đó phần cầu 886m với 6 làn xe. Cầu thiết kế dây văng có trụ tháp chính hình rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Cầu hoàn thành không chỉ kết nối giữa Khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm mà còn góp phần thay đổi diện mạo của TP.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Q.1. Dự kiến chân cầu phía Q.1 nằm tại khu vực Công viên cảng Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A – phía nam Quảng trường trung tâm đô thị Thủ Thiêm.
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch còn có dự án cầu Thủ Thiêm 3 kết nối Q.4 hiện đang được nghiên cứu đầu tư. Cầu bắt đầu từ đường Tôn Đản (Q.4) băng qua đường Nguyễn Tất Thành, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Được biết, 5 năm trước, TP.HCM giao liên danh hai công ty nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 3 nhưng chưa được triển khai.
Trong năm nay sẽ tiến hành chạy thử và chính thức vận hành đoàn tàu Metro số 1 để phục vụ người dân
2. Công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Nam Sài Gòn nói riêng và của TP.HCM. Công trình đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên khu vực. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cuối năm 2021, dự án sẽ hoàn thành xong một hầm hướng từ KCX Tân Thuận (Q.7) về huyện Bình Chánh. Tiếp đó sẽ thi công nhánh hầm chui từ hướng huyện Bình Chánh về KCX Tân Thuận. Dự kiến cuối năm 2022 công trình nút giao này sẽ hoàn tất.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 9 dự án được ưu tiên xây dựng tại phía Nam. Với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19-5-2020, với mục tiêu phân chia sản lượng khai thác giữa Cảng hàng không Long Thành và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1.
Theo đó, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là một trong 8 công trình trọng điểm dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư công trong năm 2021. Tuyến đường dài hơn 53km, điểm đầu giao Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Đây là tuyến được quy hoạch nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện. Được biết, tháng 10-2020, Chính phủ đồng ý cho TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư và triển khai, phê duyệt dự án. Việc này được chấp thuận sau khi TP.HCM và Tây Ninh cùng kiến nghị đẩy nhanh thực hiện.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57km đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai với điểm đầu tuyến giao với cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Vành đai 3 TP.HCM và điểm cuối giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng do Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Được khởi công năm 2014, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành sử dụng vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và vốn đối ứng Chính phủ. Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp (8 gói thầu dùng vốn vay ADB và 3 gói thầu vay vốn JIACA. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe chạy và hai làn xe dừng khẩn cấp với vận tốc 120km/giờ.
Tuyến này có tổng cộng 17 cây cầu được xây với chiều dài hơn 20km, trong đó có hai cầu thuộc địa phận TP.HCM là cầu Bình Khánh (bắc qua sông Soài Rạp) và cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu).
M.Tuyết – A.Trần
Bình luận (0)