Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy tạo lập văn bản ở trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 3 phân môn đọc hiểu, tiếng Việt và làm văn, dạy làm văn hay dạy tạo lập văn bản (TLVB) được coi là nhiệm vụ mang tính thử thách nhất đối với bản lĩnh đứng lớp của giáo viên bộ môn ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay. Người thầy cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về nhiều lĩnh vực để có thể đứng trên bục giảng dạy học sinh cách TLVB.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Anh Khôi

Đó là kiến thức vững vàng về thể loại văn bản được tạo lập, đặc điểm của tiến trình TLVB, kỹ năng tạo lập, phương pháp dạy học sinh cách TLVB…

Đặc điểm tiến trình TLVB

Trong thực tế, đến nay ngoài một số công trình về thể loại văn bản, các vấn đề còn lại hầu như bị bỏ ngỏ. Ngay cả giáo viên tuy tham dự nhiều lớp tập huấn nhưng cũng không được đào tạo vấn đề này. Kết quả là học sinh hầu như không có kỹ năng TLVB và vì không có kỹ năng nên các em phải chép văn mẫu, copy của người khác. Hệ lụy này đã phổ biến trong thực tế. Trong khi ở các nước, việc dạy văn bản được dựa trên tiến trình TLVB kết hợp với một số phương pháp như quan sát, phân tích mẫu và dạy dựa vào đặc điểm thể loại thì ở Việt Nam cách dạy vẫn chủ yếu dựa trên sản phẩm.

Nhìn rộng ra nhiều nước, việc TLVB được tiếp cận theo quan điểm viết là một tiến trình. Vậy đặc điểm của tiến trình TLVB như thế nào? Có thể thấy, TLVB là một tiến trình tư duy phức tạp thường không theo một đường thẳng và gồm nhiều giai đoạn. Trước khi tạo lập, người viết phải thực hiện các hoạt động như nhận biết về đề tài và chủ đề văn bản, người đọc và hình thức phù hợp cho văn bản. Sau khi hoàn thành văn bản giai đoạn nháp, người viết xem lại chủ đề, hình thức và người đọc. Trong giai đoạn này người viết phải suy nghĩ lại để quay ngược tái thiết kế và viết hoàn chỉnh.

Câu hỏi được đặt ra: đâu là khái niệm và phương pháp dạy TLVB dựa trên tiến trình? Có nhiều định nghĩa về phương pháp dạy TLVB theo tiến trình nhưng tất cả đều nhấn mạnh việc tổ chức hoạt động dạy viết dựa trên các bước của quá trình TLVB và các hoạt động tư duy xảy ra trong tiến trình đó, vai trò tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa những học sinh trong lớp TLVB đó. Dạy viết dựa trên tiến trình chú trọng vào từng cá nhân người học – người viết để phát triển quan điểm, cách nhìn của người học về chủ đề bài viết, về cách viết qua từng giai đoạn TLVB. Thay vì sửa lỗi chính tả, giáo viên chú tâm vào quá trình học sinh TLVB như lên kế hoạch, viết nháp, biên tập và chỉnh sửa. Ở đây, giáo viên không áp đặt quan điểm của mình, không lập dàn ý mẫu cho các em copy mà tổ chức cho các nhóm học cách viết trong tiến trình TLVB với sự trợ giúp của giáo viên, sự tương tác với các bạn học. Điều này giúp học sinh nảy sinh sự tự ý thức về hoạt động viết ở vai trò xã hội và năng lực văn chương.

Yêu cầu của giáo viên bộ môn

Viết là một tiến trình tư duy phức tạp, là hành động khám phá ý tưởng của học sinh qua các giai đoạn trước, trong và sau khi viết. Do đó, giáo viên tổ chức cho học sinh lập kế hoạch, viết nháp, chỉnh sửa để các em có cơ hội khám phá tiến trình viết của chính mình. Trong tiến trình này, người viết lại đóng vai trò người đọc để hiểu cách người đọc tiếp nhận, từ đó chỉnh sửa văn bản của mình. Qua đó người học được phát triển các năng lực tư duy như: phân tích, đánh giá, tái đánh giá, khái quát, suy ngẫm, tự điều chỉnh đồng thời học cách nắm bắt, định hình và diễn đạt ý tưởng. Trong không gian này giáo viên có vai trò trợ giúp, tư vấn người đọc, người lắng nghe, là người tạo ra môi trường để học sinh cảm thấy thoải mái tự tin tìm ra giọng điệu của chính mình để chia sẻ sản phẩm.

Để làm được điều này giáo viên phải tạo ra môi trường học tập thoải mái, không gây áp lực cho học sinh, khuyến khích trợ giúp các em trong suốt tiến trình viết. Đặc biệt, giáo viên cần cho học sinh hiểu đây là hoạt động tiếp diễn, sự thay đổi phát triển ý tưởng tiếp tục xảy ra cho đến khi có sản phẩm cuối cùng. Đồng thời giáo viên cần phải kiên nhẫn cho học sinh đủ thời gian để các em nảy sinh ý tưởng, thu thập thông tin, đọc lại và chỉnh sửa. Nhiệm vụ của học sinh không chỉ TLVB mà còn là phản hồi, tự đánh giá bài viết của bạn, chỉnh sửa nhiều lần để tạo ra văn bản tốt hơn.

Môn ngữ văn trong chương trình phổ thông mới năm 2018 sẽ có những thay đổi căn bản về mục tiêu dạy học, về cách dạy tích hợp 4 kỹ năng đọc, viết, nghe, nói cho học sinh. Để thực hiện được nhiệm vụ này, giáo viên cần nhận thức lại mục tiêu dạy TLVB là cách dạy TLVB và phát triển các năng lực tư duy cho học sinh. Tiến trình dạy TLVB phải dựa trên đặc điểm của tiến trình TLVB của người viết. Biết tích hợp hoạt động dạy TLVB với dạy đọc văn bản để học sinh sáng tạo không bắt chước trong TLVB. Nên dành nhiều thời gian cho các nhóm TLVB ở nhà, trên lớp, viết nháp, chỉnh sửa nhiều lần. Ngoài ra, giáo viên phải có nhiều biện pháp cụ thể để hướng dẫn trợ giúp học sinh trong suốt tiến trình TLVB qua các công đoạn khác nhau từ dễ đến khó, từ đơn giản đến nâng cao. Thực hiện đánh giá thường xuyên từ bản nháp đến bản viết tinh để có sản phẩm. Phối hợp các biện pháp trên và kết hợp dạy TLVB dựa trên tiến trình TLVB với phương pháp quan sát, phân tích mẫu… chúng ta sẽ phát triển được năng lực TLVB cho học sinh ở trường phổ thông.

TS. Nguyễn Thị Hồng Nam
(Trường ĐH Cần Thơ)

Bình luận (0)