Trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 10 (sách giáo khoa chương trình mới, bài “Ca dao hài hước” mang chủ đề mới lạ khiến không ít giáo viên bộ môn e ngại. Thế nhưng chỉ sau một tiết dạy ở lớp 10A4, cô giáo Phạm Thị Hồng Lan – Trường THPT Thanh Đa đã thể hiện được “bản lĩnh chuyên môn” của mình.
hiệu ứng ngay từ đọc, hiểu
Ngay ở phần kiểm tra bài cũ, giáo viên không đi theo lối trả bài quen thuộc, thay vào đó, nêu câu hỏi liên quan đến hai truyện cười nằm trong mảng văn học dân gian: Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày làm “chiếc cầu nối” kiến thức bài giảng trước đến bài mới. Minh họa là bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” và một bức tranh nền của một học sinh trong lớp tự vẽ. Bằng các câu hỏi gợi mở, giáo viên yêu cầu học sinh phân loại các bài ca dao theo các đề tài và nội dung khác nhau. Cách làm này đã tạo cho các em kỹ năng phân tích một loạt văn bản ngắn không theo kiểu chia nhỏ vụn vặt mà theo hướng tổng hợp của tư duy.
Nét độc đáo của bài ca dao “Tam đại con gà” chính là yếu tố tự trào của nhân vật trong câu chuyện dự định mang “voi, trâu, bò” đi sang nhà nàng làm lễ cưới. Trong hoàn cảnh đói nghèo của người nông dân trước đây thì những con vật đắt tiền đó có “nằm mơ cũng không có”. Vậy thì không mất gì mà chàng trai không nói cho sang “sợ quốc cấm, sợ máu hàn, sợ co gân”. Nhưng lấy vợ mà không có lễ cưới thì không được nên đành phải “dẫn chuột mời dân mời làng”. Chính lúc này, tiếng cười tự trào đã bật ra một cách sảng khoái. Buồn vì cảnh ngộ nghèo nhưng tác giả dân gian không hề bi lụy mà trái lại rất vui theo kiểu “lạc quan tếu”. Mượn lối đối đáp giao duyên trong ca dao trữ tình, bài ca dao này đã khai thác được yếu tố “hô-ứng” của mô tuýp này. Nếu lời dẫn cưới của người con trai hơi có chút hào phóng “nói cho oai”, thì ở lời thách cưới của cô gái đậm chất dân dã và đời thường hơn. Chỉ “một nhà khoai lang” nhưng đã thể hiện sự bình dị cùng sự cảm thông, chia sẻ chân thành của cô gái với hoàn cảnh của người mình yêu.
Để cảm nhận được tiếng cười dí dỏm tràn đầy tinh thần lạc quan của người lao động, giáo viên đã để cho học sinh khai thác các thủ pháp nghệ thuật trào lộng đặc sắc trong bài ca dao: lối nói phóng đại, chi tiết hài hước, đối lập và cả yếu tố bất ngờ. Đằng sau tiếng cười đó bừng sáng lên một tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống và quý trọng nghĩa tình dù phải quanh năm ngụp lặn trong cảnh nghèo khó.
Tìm tòi để thể nghiệm
Ở chùm ba bài ca dao “Nhưng nó phải bằng hai mày”, giáo viên lại đưa học sinh đến với một góc nhìn khác của người lao động: tiếng cười phê phán trong nội bộ nhân dân. Đây cũng là thế mạnh của giáo viên “biết liên kết bài này sang bài khác” như nhận xét của một đồng nghiệp. Kết hợp thủ pháp đối lập và nghệ thuật phóng đại, tác giả dân gian đã vẽ ra được nhiều bức tranh hài hước đặc sắc về một đức ông chồng vô tích sự, thiếu phong độ nam nhi “khom lưng uốn gối gánh hai hạt vừng” và chỉ biết “sờ đuôi con mèo”. Với giọng điệu phê phán nhẹ nhàng, tiếng cười dân gian như một lời nhắc nhở thân tình tránh những thói hư tật xấu trong đời sống sinh họat hàng ngày. Không chỉ dừng lại là lời nhắc nhở các đấng nam nhi không có bản lĩnh, thiếu chí khí sống xứng đáng với gia đình và xã hội, bài ca dao cuối cùng lại là nụ cười hài hước về người phụ nữ thiếu duyên dáng. Có thể nói, đến đây, nghệ thuật phóng đại đã được khai thác triệt để qua chi tiết nói quá sự thật ở vế “Lục”: “lỗ mũi mười tám gánh lông, ngáy về đêm, ăn quà chợ, rác trên đầu”. Nhưng đến vế “Bát”, tiếng cười mới thật sự được nhân đôi khi người phụ nữ lắm tật xấu lại sở hữu một người chồng có “máu” trào lộng rất đáng yêu. Không như những ông chồng khác chỉ biết chê vợ, người đàn ông này có tấm lòng thật rộng mở, vì vậy đã biến cái xấu của vợ thành cái tốt để cho mình được cùng hưởng.
Khép lại bài giảng bằng hai câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm và bài luyện tập tại chỗ, giáo viên đã vừa giúp học sinh củng cố lại kiến thức bài mới, vừa để kiểm tra lại kết quả nhận thức, giáo dục của giờ dạy.
Cô PhạmThị Hồng Lan tâm sự: “Tiết dạy mới, không phải là sở trường của cá nhân nhưng tôi muốn có một bước thể nghiệm mới, nhất là khi đối tượng học sinh không phải là lớp chuyên, lớp chọn”. Chính vì muốn tạo ấn tượng cho học sinh về một bài giảng hay, thích tìm tòi cái khó để đúc rút kinh nghiệm nên cô đã hết mình vì tiết dạy không chỉ trong 45 phút lên lớp mà cả thời gian dài trước đó chuẩn bị giáo án, trang thiết bị phục vụ cho bài giảng-một nét phẩm chất mà bất kỳ giáo viên bộ môn nào cũng cần có.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)