Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy thêm – học thêm: Có nên giao nhà trường quản lý?

Tạp Chí Giáo Dục

Cần quản lý như thế nào để hoạt động DTHT vừa đáp ứng đúng nhu cầu của PH vừa đảm bảo chất lượng

Năm học 2012-2013 mới bắt đầu chưa lâu, thế nhưng có không ít phụ huynh (PH) đã đăng ký lớp học thêm cho con. Nguyên do bởi ai cũng muốn con được kèm cặp thêm để học tốt hơn.
Trông cậy vào cô giáo
16 giờ 30 tan trường, em X.M – học sinh (HS) lớp 2 Trường TH Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) – lật đật lên xe để mẹ đưa về nhà cô giáo học thêm, thay vì về thẳng nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Lớp học của M. chủ yếu là củng cố lại những kiến thức mà trên lớp các em chưa nắm kỹ. Chị H. – mẹ em – cho biết: “Ở nhà không ai kèm cặp hay dò lại bài cho M. nên phải nhờ cô giáo kèm thêm. Ở trường cháu học yếu chỗ nào, chưa đạt chỗ nào chỉ có cô giáo biết, từ đó cô chỉ bảo cháu thêm”. Em M. được cô giáo dạy từ 17 giờ đến 18 giờ 30 – một tuần 3 buổi (học phí gần 300 ngàn đồng/ tháng). Theo chị H., không chỉ M. mà hầu như cả lớp đều học thêm.
Chẳng thua kém các “đàn anh, đàn chị”, em T. – HS lớp 1 Trường TH Bình Hòa (Q.Bình Thạnh) – cũng được mẹ đăng ký lớp rèn chữ tại trường. Chị L. – mẹ em T. – chia sẻ: “Thú thực, sau một ngày ăn, học tại trường, bé cũng khá mệt. Thế nhưng đầu năm mà thấy điểm của con chỉ 7-8 khiến tôi lo quá. Sợ con không theo kịp bạn bè, ảnh hưởng đến kết quả học tập nên tôi phải đăng ký học”. Vậy là cứ sau giờ tan trường, em T. ở lại lớp để cô rèn chữ đến 18 giờ. Mỗi tuần học hai buổi, học phí là 200 ngàn đồng/tháng.
Có lẽ không khó để thấy những trường hợp như em X.M hay em T. “tích cực” tham gia học thêm dù chưa qua hết tháng 9. Bất chấp ở trường đã học cả ngày hay một buổi, nhưng do tâm lý sợ con không theo kịp kiến thức, không theo kịp bạn bè nên PH kiếm lớp, kiếm cô giáo cho con học thêm. Có cầu thì ắt có cung – giáo viên (GV) cũng nhiệt tình không kém trong việc nhận dạy thêm cho… HS.
Giao cho nhà trường quản lý
Về việc dạy thêm – học thêm (DTHT) trong nhà trường, Bộ GD-ĐT đã có quy định: Cấm không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống…
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 chia sẻ: “Trường tôi thường quản lý DTHT bằng cách phát phiếu thông tin. GV nào có dạy thêm, dạy bằng hình thức nào, bàn ghế ra sao, bao nhiêu HS, học phí bao nhiêu… thì ghi vào. Kết quả cho thấy vẫn có GV thừa nhận mình… dạy thêm. Khi được hỏi lí do thì GV lí giải: Tất cả do nhu cầu của PH nên họ mới đồng ý dạy. Trước thực tế này, nhà trường chỉ nhắc nhở chứ không thể xử phạt hay cấm cản”.
Theo hiệu trưởng này, DTHT chính là hình thức tăng buổi ngoài giờ chính khóa cho HS trung bình, yếu trước đây. Thực sự không cấm được vì chính PH là người có nhu cầu. Có chăng, PH nên xác định cho con đi học như thế nào là phù hợp. Chẳng hạn HS lớp 1, 2 chương trình học còn rất nhẹ nhàng, không cần thiết phải đi học thêm mà nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Riêng lớp 1, điểm số không quan trọng nhiều. Những điểm số GV cho hàng ngày chỉ mang tính chất động viên, khích lệ, theo dõi khả năng tiến bộ của trẻ đến đâu.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh), cho rằng: “Để khẳng định tất cả GV trong trường không dạy thêm thì tôi không dám chắc. Nhà trường chỉ có thể khẳng định chưa thấy có sự khiếu nại, phàn nàn nào từ PH liên quan đến DTHT thôi”.
Thầy Phi còn chia sẻ thêm: “Nhà trường có thể quản lý DTHT trong trường, chứ về nhà GV có dạy hay không, nhà trường khó quản hết. Vấn đề ở đây là chúng ta nên đưa ra hình thức quản lý sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đơn cử, nếu tổ chức ở trường thì giao cho nhà trường quản lý; nếu dạy ở nhà, giao cho UBND phường quản lý về hoạt động. Để được dạy thêm, GV phải đăng ký, trình bày nhu cầu PH ra sao, chất lượng phòng ốc, số HS, học phí bao nhiêu… Như vậy vừa đảm bảo chất lượng vừa tránh được những tiêu cực, PH cũng an tâm hơn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Trước nay khi nói đến DTHT, mọi người đều đổ lỗi hết cho ngành giáo dục mà không nhìn vào thực tế nhu cầu PH cho con học thêm rất nhiều. Có người vì không có thời gian kèm cặp con, bận công việc không thể quản lý con sau giờ tan trường; có người vì mong muốn con học thêm sẽ củng cố kiến thức, giỏi hơn nữa… Đáp ứng nhu cầu này, chính GV lại là người chịu áp lực không nhỏ từ PH. Vấn đề cần giải quyết ở đây là phải có sự cộng tác từ hai phía. Bản thân PH nên hiểu sau giờ học ở trường, con trẻ cần có thời gian thư giãn, vui chơi, cân bằng việc phát triển thể lực, trí tuệ mà cân nhắc trước khi đăng ký cho con học thêm. Ngược lại, khi có tổ chức dạy thêm, chính nhà trường phải quản lý, theo dõi để đảm bảo cả chất và lượng”.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
“Nếu nhà trường phát hiện GV nào làm sai quy định thì cần có biện pháp xử lí nghiêm khắc. Sắp tới Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai thông tư 17/2012 về việc DTHT trong trường học”, ông Nguyễn Hoài Chương cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)