Thực trạng (có người gọi là vấn nạn) dạy thêm, học thêm, dư luận xã hội và báo chí đã nói rất nhiều; kể cả đưa ra nghị trường Quốc hội và có nhiều văn bản chấn chỉnh của các cơ quan chức năng nhưng xem ra thực trạng này vẫn “tràn đầy” sức sống. Từ bao giờ chuyện dạy thêm, học thêm có từ lớp 1 đến lớp 12 như ngày nay? Thầy cô (dạy những môn toán, lý, hóa, sinh, Anh văn…) coi việc dạy thêm ngoài giờ là thu nhập chính. Nhiều chiêu thức “triệt buộc” học sinh được truyền nhau từ thế hệ giáo viên này qua thế hệ giáo viên khác như ra đề kiểm tra đầu năm thật khó; cho một loạt “điểm khủng bố” rồi mở lời sẽ mở lớp học thêm để học sinh đăng ký học. Cái mất nhiều hơn cái được! Hình ảnh, vị thế người thầy (kể cả giáo viên các môn không dạy thêm được) trong mắt học sinh không còn là “thần tượng” mà là người-bán-chữ không hơn không kém. Hậu quả của việc dạy thêm, học thêm đã rõ ràng. Về phía giáo viên, vì tập trung cho “chân ngoài dài hơn chân trong”, lo việc dạy thêm nên sức khỏe, sự minh mẫn cần thiết suy giảm. Vô lớp chỉ dạy cho hết giờ, không còn toàn tâm toàn ý cho việc truyền thụ kiến thức. Em nào chưa hiểu bài thì đến lớp dạy thêm… Giáo viên “mất thiêng” trong mắt học sinh và phụ huynh, sự tôn kính không còn như trước. Còn về phía học sinh, học thêm làm mất tư duy độc lập; không tự lực, tự giác làm bài; mất khả năng tự giải quyết vấn đề mà chỉ chờ giáo viên mớm bài, giải bài rồi chép lại như cái máy. Xao nhãng các môn học khác, trong đó có những môn không kém phần quan trọng như môn lịch sử… Về phía phụ huynh, họ coi giáo viên là người-mua-bán, đổi chác điểm số để có “học bạ đẹp”, “con số đẹp” của bộ môn. Từ đó xảy ra tình trạng mua điểm để có “học bạ đẹp”, có những môn học sơ sài nhưng điểm số vẫn cao.
Đó là một thực tế đau lòng không thể làm ngơ từ cơ sở mà bản thân tôi chứng kiến, cảm nhận qua nhiều năm dạy học và làm công tác quản lý. Tôi cứ băn khoăn mãi, việc học sinh chưa hiểu bài, không hiểu bài đâu phải do chương trình nặng, quá tải? Bộ GD-ĐT đã giảm tải, đã chỉ đạo dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản nhưng tại sao có tình trạng: người dạy thì học sinh hiểu, người dạy thì học sinh không hiểu, mặc dù cùng một bài, một dung lượng kiến thức? Rõ ràng đây là trách nhiệm của giáo viên thì giáo viên phải phụ đạo, dạy thêm ngoài giờ cho học sinh hiểu mà không được đòi hỏi thù lao! Nếu do năng lực thì cần xem lại, phải học như thế nào để đạt chuẩn quy định mới được đứng lớp.
Không phải cứ một văn bản hành chính cấm là sẽ không còn việc dạy thêm, học thêm. Ngày còn đi dạy, do thời gian 45 phút trong một bài giảng, học sinh không nắm chắc kiến thức. Tôi xin dành 20 phút của các tiết cuối để giảng thêm, chỉ bảo thêm và các em tiến bộ rõ rệt; điều quan trọng nhất là tôi không lấy tiền vì đó là trách nhiệm của mình! Rất cần nhiều tiếng nói từ mọi thành phần xã hội để việc dạy thêm, học thêm đi vào quy củ, tránh tình trạng bát nháo như hiện nay!
Lam Hồng
Bình luận (0)