Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy thêm, học thêm: Được gì? mất gì?: Có cầu thì ắt có cung!

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay nhiều người vẫn rêu rao câu “nhà văn, nhà giáo, nhà báo nhà nghèo” và mặc định rằng trong số đó, nhà giáo “phải nghèo”. Tại sao vậy? Có phải xã hội đã gắn cái mác “nghèo” nên giáo viên phải không được “khá lên”?

Nhà giáo là người thầy dạy, truyền đạt kiến thức, đương nhiên họ phải có trình độ, không chỉ trình độ đạt chuẩn mà còn giỏi, và khi giỏi thì phải thu nhập khá, giàu có mới đúng chứ! Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe “nhắc nhở” từ một vài bậc cha anh rằng “muốn giàu đừng bước chân vào nghề sư phạm”. Thiết nghĩ có quá thiển cận và bảo thủ khi nói như vậy, là đánh đồng nghề giáo bạc bẽo, khốn khổ không?

Theo phát ngôn gần đây của Bộ GD-ĐT cho rằng bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh muốn nâng cao kết quả học tập của con em mình. Và đương nhiên là đúng và nhận được sự đồng tình của người dân. Nếu hiểu theo từ ngữ của kinh tế học thì đây là quan hệ cung – cầu. Có cầu thì ắt có cung. Cầu ở đây là nhu cầu học thêm từ học sinh nên ắt phải có nhân lực đáp ứng nhu cầu đó. Cung luôn luôn có và dư thừa là khác, nguồn cung này là giáo viên ở các trường, luôn muốn dạy thêm để có thêm thu nhập, và điều này là chính đáng, không cần bàn cãi. Dạy thêm cho học sinh không có tội gì cả, bản chất chỉ là quan hệ kinh tế đơn thuần của xã hội.

Hãy xem một ví dụ, đất nước Singapore có nền giáo dục (bao gồm cả trung học và ĐH, trên ĐH) phát triển nổi bật trong khu vực, tiệm cận các nền giáo dục hàng đầu thế giới nhìn nhận vấn đề học thêm và sự giàu lên từ việc dạy học thế nào. Theo báo The Straits Times, tại Singapore, gần 80% phụ huynh có con học tiểu học đang trả thêm học phí cho các lớp học thêm tư nhân và hơn 60% học sinh trung học cũng phải học ngoài giờ. Có tới 7/10 phụ huynh Singapore đang gửi con đi học thêm tại trung tâm gia sư (1). Vì thế nhiều thầy cô dạy giỏi đã trở thành triệu phú từ nguồn thu ở các trung tâm này. Giám đốc phương pháp học của Nexus Link – ông Jack Loo – nhận định các bậc phụ huynh ở Singapore gửi con đến lớp học thêm không phải vì tin rằng điều này sẽ giúp cải thiện điểm số mà vì áp lực từ những người khác và vì sự cạnh tranh trong học tập.

Nền giáo dục có sự cạnh tranh lành mạnh ắt sẽ có nhu cầu bắt buộc người học phải cố gắng hơn. Đương nhiên, đi kèm với sự tiến bộ của học trò là đội ngũ thầy cô giáo có tâm, có tầm, có tài. Báo The New Paper của Singapore gần đây đưa tin, trong số các thầy cô được xếp hạng “siêu gia sư” tại quốc đảo sư tử, có nêu hai trường hợp điển hình là thầy Anthony Fok dạy kinh tế học và cô Janice Chuah dạy toán cho học sinh tiểu học. Mỗi lớp có từ 6-7 em, học phí trung bình 32 SGD/giờ (23 USD).  Thầy Anthony Fok đang làm luận án tiến sĩ nói: “Tôi sử dụng những câu chuyện đời thường để gắn các lý thuyết kinh tế học sinh phải học với thế giới thực tiễn. Bằng cách này, chúng thật sự nổi bật trong các kỳ thi khi có thể vận dụng kiến thức đời thường vào bài làm”. (2)

Như vậy, họ dạy với phương pháp phù hợp, cải thiện và nâng cao chất lượng học ở học sinh, được phụ huynh đón nhận tự nguyện nhằm trang bị cho con họ những kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội trước thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao. Và nghề giáo xứng đáng với khoản thu nhập từ việc dạy thêm này.

Y. Hân

(1) http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150710/hoc-sinh-singapore-tat-bat-hoc-them/775221.html
(2) http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150727/sieu-gia-su-o-singapore-kiem-hang-trieu-usd/783528.html

Bình luận (0)