Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy thêm, học thêm: Được gì? mất gì?: Học để biết, để làm và khẳng định mình

Tạp Chí Giáo Dục

Sự học bao giờ cũng mang trong nó những niềm vui, niềm hạnh phúc của khai sáng. Vậy dạy thêm, học thêm trong đời sống hiện nay đã đạt đến tinh thần đó chưa? Quá nhiều ý kiến tranh luận về việc này nhưng khó có hồi kết.

Theo nhận định của nhiều giáo viên, dạy thêm giúp học sinh lấp đầy kiến thức bị “lủng”, hiểu rõ hơn bài học trong chương trình để làm tốt bài kiểm tra trong lớp, hay bài thi trong các kỳ thi. Trong ảnh: Học sinh TP.HCM học lịch sử tại Hội trường TP. Ảnh: N.Trinh

Đối chiếu dạy thêm, học thêm với tinh thần học tập của thời đại: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, thì dạy thêm, học thêm đạt những tiêu chí nào trong định nghĩa trên?

Học để biết!

Biết theo nghĩa là khám phá, nhận thức, thấu hiểu, phát triển khả năng tư duy sáng tạo… Trong quá trình dạy thêm, có những thầy cô đã tiếp lửa để học sinh yêu thích một môn học, nhưng không nhiều. Hiện nay dạy thêm chỉ giúp học sinh lấp đầy kiến thức bị lủng, hiểu rõ hơn bài học trong chương trình với nhiều thủ thuật khác nhau để làm tốt bài kiểm tra trong lớp, hay bài thi trong các kỳ thi. Một kiến thức, học sinh phải học đi, học lại nhiều lần không sáng tạo, không nâng tầm chỉ ghi nhớ thuần thục nhằm cải thiện điểm số, mang niềm vui cho học trò và sự yên tâm cho phụ huynh. Tôi đã hỏi nhiều học sinh, và cả con trai của mình: “Trả lời trung thực học sinh có tác dụng gì?”. Số đông các em đều trả lời nhằm “đua” với việc giải được bài tập ở dạng nâng cao để ghi điểm trong các kỳ kiểm tra và thi. Thi xong có khi lại quên sạch. Đáng sợ nhất là tuổi vàng của tư duy tưởng tượng đã bị vô hiệu hóa bởi mọi thứ đều có thầy cô nghĩ hộ, làm giùm thành một nếp quen lười suy nghĩ, lười tưởng tượng, khám phá, điều rất cần cho quá trình phát triển tư duy của học sinh.

Học để làm!

Làm là kỹ năng thực hành, kỹ năng thích nghi với môi trường, đời sống xã hội… Dạy thêm giúp thầy cô có tinh thần trách nhiệm, gần gũi, tỉ mỉ hơn nên học thêm trò sẽ biết làm tốt hơn những dạng bài tập trong mọi kỳ kiểm tra, thi cử ở tất cả các cấp học. Nhưng vận dụng kỹ năng làm bài vào mọi kỹ năng của đời sống là một chặng dài yêu cầu học sinh phải có những trải nghiệm, rèn luyện từ thực tiễn. Thời gian học ở trường phổ thông tối thiểu là 6 buổi sáng, 2 đến 3 buổi chiều chưa kể những trường học 2 buổi, học thêm mỗi môn học 2 buổi/tuần, mỗi buổi 90 phút; mỗi học sinh thường ít nhất học thêm 2-3 hoặc 5 môn: toán, lý, hóa, Anh văn, ngữ văn (theo thứ tự ưu tiên). Lịch học đôi khi gần như đã vắt kiệt sức của học sinh. Xóa hết mọi cơ hội quan sát đời sống, rèn luyện, trải nghiệm cho dù là những trải nghiệm đơn giản nhất như làm tốt những sinh hoạt cá nhân, sắp xếp bàn học, phòng ngủ, phụ mẹ cha làm việc nhà. Thương con mệt nhoài vì học, cha mẹ đã làm hết mọi việc. Hệ lụy của điều này đã có nhiều ý kiến trên nhiều diễn đàn. Trò trở thành người mang căn bệnh “xớ rớ” và “ngáo ngơ”. Học sinh lớp 12 đã kể việc bạn mình nấu nồi cơm điện nhưng không đổ nước vào nồi, khiến cả nhà một phen hết hồn. Học sinh lớp 12 được giao dọn vệ sinh lớp học rất lúng túng không biết bắt đầu như thế nào để công việc hoàn thành nhanh, sạch đẹp như yêu cầu… Đơn giản vậy thôi, để thấy dạy thêm, học thêm đã góp phần đánh mất kỹ năng làm của học sinh một cách đáng lo ngại.

Học để chung sống!

Chung sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, khám phá, tận hưởng đời sống… Rất thật vậy mà trở thành cổ tích với học sinh. Dạy thêm xóa khoảng cách bục giảng để trò gần gũi với thầy cô, với bạn. Đã có những học sinh gần như ghiền học thêm vì đi học rất vui, thoải mái tám chuyện, giãi bày suy nghĩ… Cũng là một cách để chung sống nhưng cuộc sống muôn màu không chỉ vậy. Học sáng, chiều, tối, từ 6 giờ sáng đến sau 9 giờ tối mới về đến nhà khiến trẻ không còn cơ hội để chia sẻ yêu thương ngay đến cả những người thân yêu trong gia đình, bạn bè cùng trang lứa trong khu phố.

Học để khẳng định mình!

Những học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi ĐH phần lớn là những học sinh kỳ cựu trong lớp luyện của thầy cô trong nhiều năm ròng rã. Trò vui mừng bước vào trường ĐH, phụ huynh yên tâm con mình đã đến đích mong muốn, nhưng con số vô vàn cử nhân không có việc làm đã nói lên nhiều những bất cập của dạy và học hiện nay.

Giải pháp nào để khắc phục? Chúng ta đã nói quá nhiều. Tôi xin góp theo góc nhìn của một phụ huynh có con đi học và bản thân là giáo viên:

Thứ nhất, đổi mới cách ra đề thi, dạng đề thi nhằm kiểm tra kiến thức tổng hợp về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, tổng hợp… đánh giá nhận thức trưởng thành của học sinh ở các cấp học. Thứ hai, bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và chỉ thi tuyển những trường ĐH có chất lượng cao đã được xếp hạng, ĐH nghiên cứu theo như cách các nước phát triển đã áp dụng. Thứ ba, thực hiện nghiêm túc đổi mới chương trình học như chủ trương với 3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn, không biến tướng các môn tự chọn thành dạy thêm, học thêm như hiện nay. Thứ tư, làm tốt công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng mục đích của nhà trường, hạn chế những tiêu cực xung quanh vấn đề này, tạo thành nền nếp tốt trong nhà trường. Thứ năm, xã hội hóa trường học, áp dụng giờ tiêu chuẩn của giáo viên ít hơn chuẩn hiện nay (17 tiết/tuần), ngoài giờ dạy tiêu chuẩn, giáo viên được trả thêm lương theo tinh thần xã hội để bớt gánh nặng cho ngân sách.

Nguyễn Thị Ngọc Diệp
(Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, TP.HCM)

Bình luận (0)