Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy thêm, học thêm: Được gì? mất gì?: Học như robot

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây, ba tháng nghỉ hè thật đúng nghĩa bởi các em học sinh thực sự được vui chơi nghỉ ngơi, thoát khỏi những trang sách vở sau một năm miệt mài cố gắng. Đối với học sinh ở thôn quê, nghỉ hè tuy vất vả hơn bởi công việc đồng áng ruộng vườn cũng như phụ gia đình làm nhiều việc khác nhưng niềm vui lớn là được vui đùa thoải mái với tuổi thơ hồn nhiên và vô tư. Bởi vậy, ba tháng dài nhớ trường lớp, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè càng thêm ý nghĩa. Những ngày sắp tựu trường, học sinh càng mong mỏi và rất phấn khởi đợi chờ. Cái giá trị của ba tháng nghỉ hè là thế và còn hơn thế nữa.

Chín tháng cắp sách đến trường, ba tháng nghỉ hè, học sinh được học kiến thức từ sách vở và kiến thức từ đời sống. Lúc ấy chỉ học một buổi, ít đi học thêm, nên học và làm rất thực tế và bổ ích. Một niềm vui trọn vẹn!

Ngày nay, con cái vừa kết thúc năm học, mùi mực vẫn còn vương trên những trang vở, những tờ giấy khen vừa được treo lên thì cha mẹ lại lo cho con đi học thêm. Áp lực việc học nặng nề khiến cho học sinh sợ học. Nào là học toán, nào là rèn chữ, nào là ngoại ngữ đủ thứ để con cái học. Người lớn đã lấy đi tuổi thơ của con em mình cũng bởi những tờ giấy khen và điểm số.

Những ngày cuối năm học, tôi thăm dò ý kiến học sinh cũng như nhiều đứa trẻ về ước mơ mùa hè sắp tới. Có em ước được đi du lịch nhiều nơi, có em ước về quê. Và ấn tượng hơn hết là những ước mơ rất thực tế, rất thiết thực như: muốn hè này ba mẹ không bắt phải đi học thêm, muốn được nghỉ hè nhiều hơn, muốn thời gian hè trôi chậm lại. Những ước mơ rất đỗi bình dị, đơn giản nhưng không dễ trở thành hiện thực đối với nhiều học sinh.

Những ước mơ đơn giản ấy sao khó thực hiện quá vậy? Đâu phải lớn lao gì mà người lớn không thực hiện cho con trẻ? Nếu như những ước mơ quá lớn thì cha mẹ có thể từ chối, còn những ước mơ bình dị như vậy sao cha mẹ không tạo cho con? Áp lực việc học nặng nề, vì thành tích mà phụ huynh đã đánh mất những ước mơ rất nhỏ nhặt ấy của con em mình.

Các em sẽ đi về đâu, tương lai sẽ như thế nào khi các em giỏi kiến thức sách vở mà thiếu vốn sống thực tế, thiếu bao nhiêu yếu tố trong đời sống thường ngày cần phải có. Con người rồi sẽ vô cảm hơn, sống ít nghĩa tình hơn cũng từ việc học. Bởi thế nhiều đứa trẻ học như… robot, rồi kết quả sẽ là ứng xử trong cuộc sống phần nào cũng như robot. Đây là điều thật nguy hại!

Hoàng Đà Lạt 

Bình luận (0)