Nói về dạy thêm, học thêm trước hết chúng ta phải hiểu đúng khái niệm sự việc. Có người còn nhầm lẫn giữa dạy thêm và phụ đạo vì thế cần phân biệt đúng hai khái niệm này.
Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh tiểu học không cần phải học thêm mà dành thời gian vui chơi sau giờ học ở trường. Trong ảnh: Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3) trò chuyện với học sinh trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: N.Trinh |
Dạy thêm chủ yếu giáo viên dạy những kiến thức mới, những tri thức đó có thể chưa có trong chương trình ở lớp. Còn phụ đạo là dạy lại những kiến thức đã học trên lớp nhưng học sinh chưa hiểu kỹ. Đó là những đối tượng không nắm được bài tại lớp do ngồi phía dưới hay mải chơi không chú ý bài giảng của thầy cô. Có em do chậm tiếp thu, hổng kiến thức theo bạn bè không kịp. Như vậy phụ đạo là bổ sung kiến thức chứ không thể học thêm những kiến thức khác. Từ đó số lượng phụ đạo rất hạn chế, mỗi lớp chỉ có khoảng chục em chứ không phải dạy nguyên lớp như trong giờ chính khóa. Người dạy là những giáo viên bộ môn đứng lớp hiện tại. Vì thế giờ phụ đạo chủ yếu là học sinh nguyên cả khối chứ không dạy riêng lẻ. Mỗi lớp chỉ chọn khoảng 5 đến 10 em để có một lớp tối đa 40 học sinh là vừa. Những tiết học đó dạy cố định trong trường chứ không đem ra khỏi trường dạy như một số nơi đã làm.
Còn người dạy thêm không phải là thầy cô cũ mà là những giáo viên giỏi hơn được nhà trường cắt cử ra dạy và đặc biệt là phải có tâm. Không thể lựa chọn thầy cô dở hơn vì dạy như thế thì không có kết quả. Mục đích dạy để giúp học sinh bổ sung và mở rộng kiến thức và vì thương các em yếu kém chứ không phải để lấy tiền.
Về chế độ, có thể phụ huynh đóng góp ở mức tối thiểu, còn giáo viên thì để nhà trường đài thọ tiền bồi dưỡng nhất là các đối tượng nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Nếu không tính giờ phụ đạo cộng thêm vào giờ chính khóa để tính phụ trội. Dù phụ đạo hay dạy thêm cũng cần dạy những chỗ nào các em chưa hiểu. Giáo viên tập hợp mọi thắc mắc trong lớp rồi tập trung giải đáp chung. Trong quá trình lên lớp, thầy cô cũng có thể phán đoán được những lỗ hổng về kiến thức để bù đắp kịp thời. Chủ yếu luyện tập bằng những bài tập trong và ngoài sách giáo khoa chứ không dạy lại toàn bộ vì như thế các em sẽ chán nhất là những em đã nắm được bài.
Nhiều giáo viên đem học sinh về nhà dạy thêm, điều đó theo tôi không nên vì dạy trong lớp thì có môi trường sư phạm tốt hơn. Còn dạy ở nhà các em dễ bị phân tâm do khách khứa ra vào thường xuyên, hay người trong gia đình làm việc nhà… Chỉ khi nào tự học mới không cần đến lớp mà học ở nhà cũng được.
Theo tôi, cấm dạy thêm, học thêm đúng nhất là khi thực hiện sai mục đích. Đối với học sinh tiểu học lại không nên cho dạy thêm, học thêm vì yêu cầu dạy ở lớp phải đến nơi đến chốn. Lúc đó dành thời gian cho trẻ vui chơi chứ không chỉ để học thêm quá nhiều. Thực tế nhiều em tiểu học học thêm chỉ để cho phụ huynh đóng tiền làm nảy sinh tiêu cực trong giáo dục.
Nhà giáo Tôn Tuyết Dung
(nguyên Hiệu trưởng Trường
THPT Marie Curie, TP.HCM)
Bình luận (0)