Năm 2012, Bộ GD-ĐT từng có quy định liên quan đến dạy thêm, học thêm, đó là cấm tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa, không dạy thêm đối với học sinh được học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống)…
Theo nhiều người, việc cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học không chỉ bảo đảm môi trường giáo dục tích cực mà còn giúp trẻ có nhiều thời gian trải nghiệm vui chơi. Trong ảnh: Học sinh tiểu học tại TP.HCM đọc sách ở thư viện. Ảnh: B.Vân |
Đây là một quy định khá tích cực nhưng được đánh giá chỉ là quy định… trên giấy, bởi các hình thức giám sát, chế tài không phù hợp. Đến nay, việc dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại, biến tướng nhiều hình thức, gây không ít bức xúc cho phụ huynh và dư luận.
Có thể nói, dù dạy thêm, học thêm có một số biểu hiện tích cực đối với giáo viên và học sinh, kể cả phụ huynh, nhưng đối với học sinh tiểu học, dạy thêm, học thêm là hoàn toàn không cần thiết. Do đó, cần triệt để cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, không chỉ để bảo đảm môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh mà còn bảo vệ sức khỏe trẻ và giúp trẻ có nhiều thời gian cho việc học tập, trải nghiệm, vui chơi. Việc hạn chế này có những lý do sau:
Thứ nhất, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay khá vừa sức với lứa tuổi bậc tiểu học, cách đánh giá đã được cải tiến, cơ bản không còn gây áp lực cho học sinh như trước. Với những trẻ có sức khỏe, thể trạng, tư chất bình thường, chương trình tiểu học gần như không gây khó khăn cho các em; phần nhiều trẻ có thể vừa chơi vừa học mà vẫn lĩnh hội được kiến thức một cách căn bản. Không chỉ vậy, phần lớn học sinh TP.HCM hiện nay học 2 buổi thì buổi thứ hai đã cơ bản giải quyết được việc ôn bài và bài tập trên lớp. Dĩ nhiên, dù vậy, để học sinh tiếp thu tốt các kiến thức trong chương trình, nhất là học sinh lớp 4, lớp 5, giáo viên cần có phương pháp giảng dạy phù hợp và phụ huynh có sự quan tâm, chăm sóc việc học của con em một cách tích cực, chủ động. Do đó, học thêm ở bậc học này là không cần thiết.
Bản thân các phụ huynh cũng cần ủng hộ chủ trương cấm dạy thêm, học thêm, nhất là bậc tiểu học và dành thời gian nhiều hơn cho trẻ để trẻ khám phá, trải nghiệm… |
Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học phần lớn là dạy trước, học trước nên dễ gây cho học sinh tâm lý ỷ lại hoặc nhàm chán khi học chính khóa. Khi buổi học thứ hai đã giải quyết được nội dung bài học thì học thêm phần nhiều chỉ học trước chứ ít khi được tiếp cận những bài khó hoặc những phương pháp mới (vốn chỉ dành cho những học sinh có năng khiếu). Với phần lớn học sinh nhỏ tuổi, khi không tạo ra chút áp lực (chỉ một chút để rèn tính kỷ luật, tính tự giác, tính tự lập) thì trẻ dễ trở nên lơ là, thiếu tập trung, từ đó ảnh hưởng đến việc hình thành tính chủ động, tự lập. Không chỉ vậy, khi vào lớp mà trẻ phải học những điều đã biết, phải làm những bài tập mà không cần suy nghĩ thì có thể làm trẻ thấy bài học đơn điệu, nhàm chán, thậm chí còn làm ồn, chọc phá các bạn! Vậy việc học thêm nhiều khi làm trẻ mất đi những thói quen tốt để hình thành những đức tính tốt.
Thứ ba, trẻ ở bậc tiểu học đang có nhu cầu lớn về tích lũy kiến thức, trải nghiệm, giao tiếp, rèn kỹ năng ngôn ngữ… nên nếu dành thời gian học thêm sẽ hạn chế việc học tập các kiến thức và kỹ năng cần thiết khác. Việc chơi đùa, quan sát, nghe – hỏi, đọc sách… là những hoạt động giúp trẻ tích lũy được những thông tin, kiến thức. Qua đó, giúp trẻ trải nghiệm với những tình huống, với những cảm xúc và rõ ràng điều đó là những tiền đề để trẻ trưởng thành. Bởi trên thực tế, với nhiều người, học ở những điều tai nghe mắt thấy có ý nghĩa rất thiết thực chứ không phải chỉ qua trường lớp. Trong khi đó, học chính khóa đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu ở lứa tuổi tiểu học, nếu phải học thêm nhiều thì sẽ chiếm mất thời gian, chiếm mất sự quan tâm cho những kiến thức, kỹ năng khác.
Chủ trương cấm dạy thêm, học thêm của lãnh đạo TP.HCM trước hết phải thực hiện triệt để ở bậc tiểu học. Các trường cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục phải có biện pháp giám sát cũng như chế tài phù hợp để ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm. Các giáo viên phải bỏ qua nhu cầu lợi ích cá nhân để tìm cách tác động, lôi kéo học sinh đến các lớp học thêm và có ý thức chăm chút việc học của học sinh ngay trên lớp bằng tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết của mình. Bản thân các phụ huynh cũng cần ủng hộ chủ trương cấm dạy thêm, học thêm, nhất là bậc tiểu học và dành thời gian nhiều hơn cho trẻ để trẻ khám phá, trải nghiệm, học những điều cần thiết trong cuộc sống.
Trúc Giang
Bình luận (0)