Được xã hội phân công làm trọng trách dạy học nên nhà giáo có số giờ lao động không chỉ là 40 giờ/tuần như người lao động bình thường mà là từ 40 đến 60 giờ/tuần(1) để hoàn thành vô số công việc không tên.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, hiện nay lương giáo viên chưa đủ nuôi sống gia đình. Vì vậy họ phải làm nhiều công việc khác ngoài chuyên môn (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để sống kiểu “đói cho sạch, rách cho thơm”. Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện khảo sát “Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục”(2) tại 3 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Trong các kết quả thu nhận được, có số liệu về dạy thêm, học thêm do thầy cô tổ chức riêng. Như vậy lẽ nào việc dạy thêm, học thêm đã là một dạng tham nhũng nên được đưa vào báo cáo khảo sát thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong GD-ĐT?
Nhiều hiệu trưởng chưa quản lý tốt việc làm này ngoài nhà trường. Tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường còn phổ biến, các lớp này đều vi phạm khi chưa được cấp phép, dạy học sinh của lớp mình, dạy học sinh học 2 buổi/ngày và dạy nội dung trong chương trình học…
Nhà giáo hiện có tâm tư rất nặng nề bởi nguồn thu nhập đã hạn hẹp sẽ càng hạn hẹp hơn và uy tín đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ dạy tiểu học lo lắng hỏi hiệu trưởng: “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không cô?”. Các hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào thế phải làm thêm việc bất khả thi là quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt giấy cấp phép như thế nào, phải hậu kiểm ra sao, dùng lực lượng nào, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì đây? Một nhà giáo về hưu chia sẻ trên mạng: “Người ta đã cấm giáo viên dạy thêm không phải một lần. Những biện pháp đi kèm lệnh cấm nghe ra chẳng khác gì phát hiện và tố cáo tội phạm. Liệu người thầy có còn uy trước học trò không khi giới thầy bị hành xử như thế?”.
Thử hỏi hiện nay lương nhận được từ trường đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu? Một tuần hay nửa tháng là cùng. Không sống được bằng lương Nhà nước thì phải tự cứu mình, trước hết là bằng nghề chuyên môn của mình. |
Pháp luật có cấm người lao động được làm thêm để có thu nhập không? Không. Lẽ ra phải khuyến khích người lao động có thêm thu nhập từ nghề của mình, miễn đó là thu nhập chính đáng. Ai đẩy giáo viên vào tình trạng dạy thêm tràn lan? Không chỉ nằm trong lĩnh vực giáo dục như chương trình, thi cử, trang bị cơ sở vật chất thiếu thốn, câu trả lời còn nằm ngoài lĩnh vực giáo dục. Đó là cha mẹ ngày nay khi rời con đi làm rồi muốn con tránh được các cạm bẫy tệ nạn trong xã hội thì chỉ còn mỗi một nơi tin cậy để giữ con được an toàn là vòng tay của thầy cô giáo. Nhưng trước hết, câu trả lời phải tìm trong việc xét xem câu khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được thực thi ra sao.
Lương của giáo viên mầm non đều thấp hơn bậc lương tương ứng của lái xe cơ quan và kỹ thuật viên đánh máy, trong khi hiện nay một người biết lái xe và sử dụng vi tính để tự lo cho mình là quá phổ biến. Còn mỗi khi trường mầm non nghỉ trong ngày làm việc thì cha mẹ lúng túng, cơ quan bối rối vì sự hiện diện và quậy phá của trẻ con.
Thử hỏi hiện nay lương nhận được từ trường đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu? Một tuần hay nửa tháng là cùng. Không sống được bằng lương Nhà nước thì phải tự cứu mình, trước hết là bằng nghề chuyên môn của mình. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn này, nhiều người giữ được phẩm chất, nhờ vậy mà tiếp tục phục vụ trong trường học, nhưng có người lại không thể, có hành vi tiêu cực. Thế là dạy thêm, học thêm bị xem là hành vi tiêu cực, bị làm khó. Không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, bị dồn vào chân tường, nhà giáo với lương ba cọc ba đồng lại không có người thân trợ cấp sẽ sống bằng cách nào đây mà vẫn giữ mình là người lương thiện? Giáo viên đã có người nghĩ đến việc dạy một buổi, ra chợ một buổi để bán hành tỏi; có người tính buổi tối xin làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc “chuyển địa bàn” để chạy xe ôm; có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh… Đã có giáo viên năng lực rất tốt của một trường THPT nổi tiếng xin nghỉ dạy học, về mở lớp dạy tại nhà để có thời gian trực tiếp chăm sóc mẹ già bệnh nặng, vậy mà thu nhập cao hơn hẳn, bản thân mình và nhà trường khỏi bị điều tiếng khi dạy thêm. Rất có thể rồi đây, nhiều nhà giáo cũng sẽ theo tấm gương này chăng để khỏi thấy bị xúc phạm danh dự và khi đó trường học vốn đã khó thu hút người giỏi sẽ bị chảy máu chất xám. Và có thể thấy trước các học sinh thật sự có nhu cầu học thêm sẽ dồn về học đông, rất đông tại đây khi các lớp dạy thêm khác bị làm khó.
TS. Hồ Thiệu Hùng
(nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
(1) Đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” (Mã số 01/2010). Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước.
(2) Thanh niên online ngày 15-10-2012.
Bình luận (0)