Truyền thống tốt đẹp của người Việt là “Tôn sư, trọng đạo”. Nhưng ông cha ta cũng cho rằng “Có thực mới vực được đạo”. Trong đời sống khó khăn của mức lương eo hẹp như hiện nay, để giữ được “đạo”, nhiều giáo viên phải kiêm thêm… nghề tay trái.
Những giáo viên dạy “môn phụ” phải có nghề tay trái mới mong có thêm thu nhập trang trải đủ cuộc sống gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Mức lương căn bản còn khó sống!
Trong nền kinh tế hàng hóa, thời của “bão giá” như hiện nay, quả thật mức lương mà người thầy được nhận hàng tháng là không đủ chi tiêu cho chỉ bản thân mình. Cách đây gần 10 năm, GS. Hoàng Tụy đã từng bức xúc: “Chế độ lương của giáo viên rất phi lí, từ đồng lương chính thức chỉ đủ đảm bảo 1/4 mức sống, còn lại ai cũng phải xoay xở kiếm thêm thu nhập”. Trước sự quan tâm của xã hội về đời sống giáo viên, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện. Lời hứa của nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân từ năm 2006 là đến năm 2010 cơ bản nhà giáo có thể sống bằng đồng lương đã khó thành hiện thực.
Theo khảo sát chung, thu nhập bình quân của giáo viên cả nước từ lương và phụ cấp trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ tháng. Giáo viên của các cấp học khi mới ra trường được hưởng mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Tính đến năm 2015, lương giáo viên xếp thứ 14 trong bảng lương các ngành sự nghiệp…
Kiêm thêm nhiều nghề tay trái
Trước thực tế của mức lương ấy, nhà giáo muốn sống được phải có thêm nghề tay trái. Thật khó mà thống kê hết những nghề mà nhà giáo làm thêm hiện nay. Giáo viên thôn quê thì lấy trồng trọt, chăn nuôi làm kế sống. Một người bạn học của tôi, quê ở Bình Dương, cạnh dòng sông Đồng Nai. Sau bao năm làm thầy giáo làng, bây giờ trở thành chủ vựa cung cấp cá từ 3, 4 chiếc bè nuôi. Mỗi lần tôi về chơi, anh chỉ bàn toàn chuyện nuôi cá!
Một khi nhân tố chính của hoạt động giáo dục từ phía người thầy không được đầu tư đúng mực, thì làm sao có thể hy vọng đến sự phát triển của một nền giáo dục quốc gia đạt đến tiên tiến, hiện đại! |
Những giáo viên giảng dạy các môn chính thì “dễ thở” vì có thể dạy thêm, phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh. Còn đối với những giáo viên dạy môn phụ thì đành phải kiếm kế để sinh nhai: bán buôn, làm nghề thủ công, dịch vụ in ấn, mở tiệm sách báo… Nhiều khi đồng nghiệp trong trường trở thành “thượng đế” cho các mặt hàng: rau sạch, gạo, nước mắm, áo quần, dịch vụ bảo hiểm… Họ không hề e ngại, đồng nghiệp cũng cảm thông, miễn sao cải thiện cho cuộc sống khó khăn về tiền sữa, tiền học của con cái họ. Vì thế, cứ lướt một vòng trên các trang mạng xã hội là thấy các dịch vụ nở rộ như nấm, sẵn sàng giao hàng tận nơi, mọi lúc mà chủ nhân của những dịch vụ ấy không ai khác là nhà giáo!
Bài toán về chất lượng từ người thầy
Nhiều cuộc khảo sát trong vài năm gần đây đã cho thấy có đến gần 50% giáo viên được hỏi nếu được chọn lại nghề sẽ không chọn nghề dạy học. Với một thực tế như thế, thật khó có thể khẳng định đến sự bền vững cho chất lượng dạy học. Tiêu cực của nạn dạy thêm, học thêm tràn lan mà bấy lâu nay xã hội phản ảnh cũng từ đời sống khó khăn của giáo viên mà ra. Theo khoa học sư phạm, mỗi giáo viên chỉ lao động thực sự 17 tiết/ tuần trên lớp, nhưng thời gian đầu tư ở nhà là rất lớn để có được chất lượng của 17 tiết ấy. Thế nhưng, có một thực tế bấy lâu nay là nhiều giáo viên coi nghề tay trái của mình lại là nghề chính. Nên dành thời gian cho nghề này nhiều hơn. Một khi nhân tố chính của hoạt động giáo dục từ phía người thầy không được đầu tư đúng mực, thì làm sao có thể hy vọng đến sự phát triển của một nền giáo dục quốc gia đạt đến tiên tiến, hiện đại! Nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục, thay đổi phương pháp như hiện nay.
Đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan, chiến lược, là quốc sách hàng đầu. Theo khuyến cáo của UNESCO, cần tăng lương cho giáo viên ở những nước đang phát triển lên mức 2,5 lần GDP của quốc gia ấy. Lời khuyến cáo đó có dễ thực hiện được không khi cả nước ta có hơn 1,2 triệu giáo viên. Nếu chỉ cần tăng thêm mỗi người 100.000 đồng/ tháng, thì số tiền Nhà nước phải chi cho giáo dục là quá lớn, thật khó kham nổi. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đã nói: “Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy cô giáo!”.
Bài toán về tiền lương giáo dục và chất lượng giáo dục quả thật không dễ có lời giải!
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)