Trong lời tựa của quyển Thế hệ ngày mai (viết năm 1952), học giả Nguyễn Hiến Lê có nêu tâm trạng của những bậc phụ huynh khi lần đầu tiên đưa con đến trường: “… chỉ có những lúc ấy là chúng ta đem con giao cho người lạ để nhờ uốn nắn, giáo hóa… Người lãnh con ta có đáng tin không? Phương pháp giáo dục có đáng tin không?…”. Những câu hỏi đó của Nguyễn Hiến Lê chắc cũng là của nhiều bậc phụ huynh từ rất nhiều thế hệ.
Theo nhiều phụ huynh, dù họ có quan tâm đến con cái thì cũng khó biết được trẻ được dạy, được học như thế nào ở nhà trường. Trong ảnh: Giáo viên Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3, TP.HCM) uốn nắn chữ viết cho học sinh lớp 1. Ảnh: N.Trinh |
Dĩ nhiên các bậc phụ huynh có lòng tin mới đưa con đến trường, nhưng lòng tin đó khó có thể nói là tuyệt đối. Chương trình dạy học, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, trường lớp, cách truyền đạt và tấm lòng của thầy cô… đều có thể là mối bận tâm của phụ huynh. Tức là chuyện “vĩ mô” như chính sách giáo dục, triết lý giáo dục cho đến việc “vi mô” như từng cử chỉ, lời nói của người trực tiếp đứng lớp đều đáng được quan tâm. Chẳng hạn: chương trình các bậc học hiện nay có phải là quá nhiều cho trẻ? Sách giáo khoa có chỗ chưa thực sự phù hợp cho học sinh tất cả các vùng miền trong cả nước? Đồ dùng dạy học còn thiếu và chưa theo kịp yêu cầu giảng dạy? Trường lớp phần nhiều vẫn còn chật chội, thiếu mảng cây xanh và không có không gian cho học sinh vui chơi? Cách truyền đạt của một bộ phận giáo viên chưa kích thích được khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ? Cách cho điểm, đánh giá có thực sự khách quan, công tâm và có tác dụng giáo dục thiết thực?… Tất cả những điều đó đều là mối lo của phụ huynh. Đặc biệt, với trẻ học mẫu giáo và học sinh tiểu học, độ tuổi đang định hình nhân cách, tính cách, thầy cô là người có tác động trực tiếp và rất quan trọng. Vì vậy, sự quan tâm của phụ huynh đến việc học tập của con em mình như thế nào trong nhà trường lại càng sâu sắc hơn.
Câu hỏi “con em ta học như thế nào trong nhà trường” lâu nay tưởng là câu hỏi đơn giản hóa ra lại rất khó trả lời cho thấu đáo. Vấn đề là ngành giáo dục phải thực sự giải đáp câu hỏi đó với phụ huynh, chứ không phải chỉ khi nào phụ huynh hỏi đến thì mới loay hoay tìm câu trả lời. Nếu điều này không được khắc phục, e rằng chất lượng giáo dục sẽ khó được nâng chất thực sự! |
Thế nhưng, phần lớn phụ huynh dù có quan tâm cũng khó có thể biết con em mình đã được dạy, được học như thế nào, được thầy cô quan tâm, đối xử ra sao. Bởi dù tiếp cận với sách giáo khoa nhưng thật khó để biết được sách giáo khoa đó được truyền đạt đến con em mình như thế nào, với thái độ như thế nào, được kiểm tra, đánh giá ra sao, việc xếp loại có thực chất không?… Mỗi năm 2 hoặc 3 lần, phụ huynh được mời họp nhưng thực ra không có thì giờ để giáo viên nêu được việc học của từng học sinh cho cha mẹ em đó biết; đã vậy thường lại sa vào chuyện đóng góp. Có khi, nhà trường tổ chức hội giảng, thực hiện một tiết dạy “đặc biệt” có sự theo dõi của phụ huynh, để xem con em mình học tập như thế nào, nhưng điều này quả thực rất hiếm và thường có sự “chuẩn bị”, “sắp đặt” nhất định. Vì vậy, có thể nói, sự hiểu biết, thông cảm và phối hợp lẫn nhau trong việc giáo dục trẻ giữa nhà trường và gia đình luôn có khoảng cách.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, ngành giáo dục cần công khai, minh bạch triết lý giáo dục, chương trình giảng dạy. Việc công khai này nên thông qua việc phổ biến chương trình giảng dạy hàng năm của từng khối lớp trong hội nghị phụ huynh vào đầu mỗi năm học. Trong hội nghị đó, nhà trường cần giải đáp, xử lý đầy đủ những thắc mắc của phụ huynh trong phạm vi của mình, vấn đề nào vượt quá khả năng thì kịp thời báo cáo lên cấp trên để có hướng dẫn cách giải quyết, cũng như tiếp thu những đóng góp, hiến kế của phụ huynh để việc dạy dỗ cho con em họ nói riêng và học sinh nói chung được tốt hơn. Hội nghị này cần được tổ chức trên tinh thần dân chủ, cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu. Chẳng hạn, hiện nay các trường đang thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, trong đó có nội dung quan trọng về đánh giá học sinh, thì nhà trường, thay mặt ngành giáo dục, cần thông tin rõ về thông tư này, giải thích rõ những ưu điểm của quy định đồng thời cần thiết động viên phụ huynh đóng góp ở những nội dung nào…, như việc đánh giá của phụ huynh được ghi nhận và sử dụng ra sao, con em của họ được lợi gì từ thông tư này không…
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần tạo điều kiện cho phụ huynh được tiếp cận với cách giảng dạy của nhà trường, thông qua các buổi hội giảng, các diễn đàn (nhất là diễn đàn trên mạng internet) trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh… Đặc biệt, với sự hiểu biết về tâm sinh lý của con em mình, phụ huynh có thể giúp cho giáo viên có cách truyền đạt hoặc xử lý tình huống hợp lý hơn cho từng học sinh. Qua đó, cũng hạn chế được tình trạng “bên trọng bên khinh” của giáo viên đối với học sinh.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)