Nhìn vào thực tế các trường học hiện nay, học thêm có nhu cầu thật sự. Nhu cầu đó bắt nguồn từ ước muốn của phụ huynh là muốn con em mình có thêm kiến thức, giàu thêm trí tuệ… Đó cũng là nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và cả một số kỹ năng sống cho người học.
Ngành giáo dục phải xóa bỏ việc chạy theo thành tích bằng số điểm các môn học thì mới mong chấm dứt dạy thêm, học thêm (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Theo quy luật, khi có cầu thì phải có cung. Cung ở đây là người dạy, thầy cô giáo dạy thêm cho học sinh. Tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ, đi học thêm “một công đôi việc” là nhờ thầy cô giữ con giùm, hạn chế được thói quen chơi bời lêu lổng dễ bị cái xấu lôi kéo. Đến trường đến lớp học thêm là đến với môi trường giáo dục tốt nên ai cũng an tâm hơn, nhất là khi trẻ ở nhà thiếu người trông coi, quản lý. Rõ ràng đây là điều chính đáng. Đối với giáo viên, khi dạy thêm còn giúp thầy cô tăng thêm thu nhập, không mai một kiến thức. Bởi giáo viên dạy thêm là làm thêm đúng theo nghề thay vì những nghề khác không phù hợp. Xét về mặt kinh tế, dạy thêm giúp giáo viên ổn định cuộc sống hơn với nhiều khoản chi tiêu cần thiết. Nói như vậy không có nghĩa là ai dạy thêm cũng khó khăn cả. Trong thực tế có người dạy thêm không phải vì kinh tế mà còn có những nhu cầu khác, niềm vui khác.
Trong thực tế có người dạy thêm không phải vì kinh tế mà còn có những nhu cầu khác, niềm vui khác. |
Một lý do khác cũng cần phải đưa ra là hiện nay ngành giáo dục còn chạy theo điểm và thành tích về các mặt. Bên cạnh đó là tư tưởng ganh đua của phụ huynh và học sinh muốn hơn người khác. Con đến trường đi học phải nhất mọi môn học, nhất mọi thứ. Vì thế cha mẹ đầu tư bằng mọi cách để học, trong đó có học thêm. Học thêm mọi môn bất kể khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Từ đó nảy sinh tình trạng ép trẻ đi học thêm.
Muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm phải nhìn thấy cái gốc của vấn đề trong giáo dục. Đầu tiên là yêu cầu giáo dục học sinh toàn diện chứ không quá đặt nặng điểm số, chạy theo thành tích bằng số điểm các môn học. Phải xóa được tâm lý của phụ huynh quá coi trọng điểm số, chạy theo điểm số gây áp lực cho con em mình. Bên cạnh đó, cũng vì nhiều giáo viên dạy thêm để ổn định cuộc sống về kinh tế nên chúng ta cần quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô. Ngành giáo dục, ban giám hiệu nhà trường cố gắng định hướng nhận thức về dạy thêm, học thêm trong tư tưởng của giáo viên, thấy được mặt trái và hạn chế của việc học thêm, dạy thêm. Dù dạy thêm, học thêm ở trong trường mình hay trường khác thì cũng phải có ý thức xây dựng đóng góp môi trường dạy học thật tốt. Cũng có khi cần dùng biện pháp hành chính đối với những người vi phạm quy chế, nội quy của nhà trường trong việc dạy thêm, học thêm. Không thể để mặc tự do ai muốn dạy gì thì dạy nếu không diệt được cái gốc là khó vì “cấm chỗ này lại lòi ra chỗ khác”. Thực tế các trường đã xảy ra như vậy.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đã soạn thảo chương trình và biên soạn sách giáo khoa để chuẩn bị vận dụng mô hình dạy học VNEN. Đây là mô hình của trường học mới được vận dụng từ nước ngoài rất hay và thiết thực. Cùng với Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, hy vọng mô hình dạy học mới VNEN sẽ triệt tiêu tình trạng chạy theo điểm số, coi trọng thành tích như hiện nay. Cùng với việc nâng cao kiến thức là những phương pháp rèn luyện kỹ năng cứng, kỹ năng mềm. Đây là cách giáo dục học sinh toàn diện hiệu quả. Có như vậy sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và không đúng với định hướng ban đầu.
PGS.TS Ngô Minh Oanh
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu
giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Phải có biện pháp thích hợp khi cấm dạy thêm, học thêm Việc cấm dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay là hoàn toàn đúng và hợp lòng dân. Song có một thực tế là ngành giáo dục cần rạch ròi phân tích để có biện pháp thích hợp thay vào chỗ cấm đó. Theo tôi, chúng ta cần có sự dân chủ, bàn bạc trong vấn đề này để có hướng giải quyết một cách khoa học nhất. Bởi việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu kém là cần thiết. Đó là yêu cầu của tự thân giáo dục và của các bậc phụ huynh. Nhà trường trực tiếp chỉ đạo cụ thể. Số học sinh yếu kém phải được ban giám hiệu xét duyệt danh sách. Thường thì mỗi bộ môn hoặc mỗi lớp có khoảng 20% học sinh thuộc diện này. Vấn đề bồi dưỡng học sinh giỏi cũng cần và cũng chỉ có khoảng 10% mà thôi, và cũng được ban giám hiệu duyệt danh sách. Việc dạy thêm, học thêm này mỗi tuần chỉ cần 3 buổi là cùng. Ngoài ra, phụ huynh có yêu cầu thầy cô bồi dưỡng cho con em mình tại nhà trên cơ sở tự giác cũng cần được cho thực hiện. Với ba hình thức trên, phụ huynh nên tự giác đóng góp tiền trả thù lao dạy ngoài giờ cho thầy cô. Bây giờ là cơ chế thị trường không thể như trước đây. Bác sĩ, kỹ sư, công nhân làm việc thêm giờ, thêm buổi vẫn được trả công thù lao huống chi là thầy cô. Nếu không thì ngân sách Nhà nước bỏ ra để trả công lao động cho thầy cô mới đúng Luật Lao động và đó còn là sự đối xử mang tính nhân văn. Hoạt động dạy và học là loại hình hoạt động trí tuệ mà đồng lương hiện nay của giáo viên Việt Nam là vùng trũng Đông Nam Á, chưa nói là thế giới. Lê Đình Hòa (TP.HCM) |
Bình luận (0)