Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy thêm – học thêm: Quan hệ cung – cầu chính đáng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) – phát biểu

Tọa đàm “Dạy thêm – học thêm” tập trung lấy ý kiến góp ý nội dung, giải pháp cụ thể và hiệu quả nhằm tham mưu cho Thành ủy thực hiện tốt thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm – học thêm (DT-HT), đồng thời đảm bảo chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố đề ra, phù hợp với tình hình thực tế tại TP.HCM.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các nhà giáo, nhà quản lý, phụ huynh học sinh đã có ý kiến phát biểu hết sức cụ thể, sôi nổi về vấn đề DT-HT. Các đại biểu đều khẳng định: HT là một nhu cầu chính đáng. DT là một việc làm chính đáng. Muốn quản lý DT-HT cho hiệu quả thì cần phải  có giải pháp đồng bộ.
Trò muốn học…
Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng việc DT-HT là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Nếu nhìn sang các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore thì thấy việc DT-HT ở nước ta chưa thấm tháp gì.
“Bản thân học sinh (HS) vì muốn hơn bạn bè, thậm chí các em còn ganh đua nhau. Vả lại, nội dung chương trình hiện nay vẫn còn nặng lý thuyết, mang tính hàn lâm. Nên những giáo viên (GV) còn yếu tay nghề, non kinh nghiệm cũng làm cho chương trình càng nặng hơn. Vì vậy HS phải đi HT”, ông Chương nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định – khẳng định: “Áp lực lớn nhất của HS chính là thi cử. Nếu các em tự học thì kết quả trong các kỳ thi sẽ không cao. Chẳng hạn như con tôi, khi cháu lên lớp 9, tôi phải cho đi HT vì sợ sẽ rớt lớp 10 Trường THPT Gia Định. Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, đề thi trắc nghiệm thường bao trọn kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Bắt buộc HS phải đi HT thì mới làm được. Chỉ những HS thật sự giỏi và được học với GV có kinh nghiệm thì mới không đi HT mà vẫn đậu ĐH”.
Được biết, Trường THPT Gia Định là một trong số ít trường ở tốp trên của thành phố nhưng số HS không đi HT chỉ có khoảng 20%. Đó là những em đang học trong các lớp chuyên của trường.
Về phía phụ huynh, không ai lại không muốn con mình học giỏi, học ở các trường chuyên, trường điểm của thành phố. Vì vậy, họ phải cho con đi HT. “DT-HT là điều tất yếu do sự phát triển của đất nước. Bộ GD-ĐT phải thấy được điều đó, không nên vì không quản lý được mà cấm. Đặc biệt, việc cấm HT là vô lý, chúng tôi có tiền thì chúng tôi cho con mình đi HT”, ông Nguyễn Văn Tùng – Ban đại diện cha mẹ HS Trường THCS Linh Trung (Q.Thủ Đức) bức xúc.
Thầy muốn dạy

 

DT-HT không chỉ là nhu cầu của HS và phụ huynh mà cũng là nhu cầu của GV. Thầy cô nào cũng muốn HS của mình học giỏi. Bằng chứng là: “Nhiều GV đã tổ chức phụ đạo cho HS yếu sau giờ học mà không lấy tiền. Thậm chí có GV còn đem HS về nhà tắm gội và cho ăn, sau đó chờ phụ huynh tới rước mà không lấy một đồng nào”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) – cho biết.
Khi đã chọn nghề giáo, không thầy cô nào có tham vọng mình sẽ có một cuộc sống giàu sang nhưng cũng chẳng ai chỉ uống nước lã mà có thể sống được. Vì vậy vấn đề cải cách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo là mấu chốt để giải quyết những tiêu cực, bất cập trong ngành giáo dục. Bà Dương Thị Trúc Bạch – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – tâm tư.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Hồ Thiệu Hùng nói: “Lương bình quân của người lao động trong ngành được gọi là quốc sách hàng đầu chỉ có 3 triệu đồng/tháng, trong khi ngành điện lực là 7 triệu đồng/ tháng. Với mức lương này GV không sống được nên phải làm thêm bằng cách DT. Nhờ vậy mà các thầy cô không phải sống bám vào gia đình, có thể nuôi được con cái và cha mẹ già”.
Từ thực tế trên, những người quản lý giáo dục không ai đành lòng cấm GV DT. Cô Ngọc Điệp thừa nhận: “Tôi không cấm GV DT, bởi tôi không thể nào đảm bảo được đời sống cho các thầy cô. Tôi chỉ nói với GV là nếu để xảy ra phản ánh của phụ huynh thì GV không những không được DT mà còn không được đứng lớp nữa”.
Ông Chương cũng khẳng định: “Với vai trò là nhà quản lý, tôi thà để GV DT còn hơn là làm nghề khác như buôn bán, chạy xe ôm”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – cho rằng: “Cải cách tiền lương là tôn vinh nhà giáo để người thầy không phải lăn lộn với cuộc sống. Từ đó người thầy gắn bó hơn với nghề, hạn chế tiêu cực trong DT-HT”.
 

Bình luận (0)