“Việc phụ đạo cho học sinh (HS) yếu, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho HSG và những em có nhu cầu, TP khẳng định không cấm! Chính thầy cô giáo, phải có giải pháp để thực hiện việc này. Miễn là thầy cô giáo có một tấm lòng chân thành, muốn gieo con chữ cho học trò của mình thật lành mạnh!”
Chủ tịch HĐNDTP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì buổi “Lắng nghe và Trao đổi” |
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP trong sáng 11/9, tại Chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” với chủ đề “Dạy thêm- Học thêm”.
Bà Nguyễn Thị Thu- Phó chủ tịch UBND TP |
Có những “nhu cầu ảo”
Mở đầu buổi trao đổi, GS.TS Trần Hồng Quân- nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, dạy thêm học thêm (DTHT) là nhu cầu chung, xác đáng và có thực của phụ huynh, học sinh (PHHS). Nhưng cũng có những “nhu cầu ảo”, DT tràn lan làm khó cho PHHS, gây nên căng thẳng, dư luận không tốt trong xã hội đối với nghề giáo…
Giải thích về “nhu cầu ảo”, Ông Quân cho rằng, đó là do một bộ phận thầy cô giáo giảng ở lớp không “hết chữ”, không nhiệt tình… nhằm lôi kéo HS về nhà để DT thu tiền.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP |
Bất bình vì những “con sâu” này, TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP buồn rầu: “Hậu quả là gần như tất cả những người làm giáo dục, thầy cô giáo chân chính bị mang tiếng là ép HS phải HT”. Ông Hùng dẫn giải: “Khi nhận được thư mời tham gia chương trình này, tôi đã chủ động đi khảo sát các trường trong và ngoài TP, cũng như đi xuống những tỉnh lân cận để tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng của việc DTHT, nhiều điều trăn trở và cũng nhiều uẩn khúc của việc này. Đơn cử, khi tiếp xúc, trao đổi với một cô giáo dạy tiểu học tại quận 1. Qua tìm hiểu, mới biết chồng cô mất vì bệnh ung thư, hai con hiện tại cũng mắc căn bệnh quái ác này nhưng cô vẫn lạc quan, hoàn thành tốt công việc tại nơi mình công tác, về đến nhà cô chăm con, DT từ 5-6 HS yếu kém trong lớp. Có nhiều em, PH không đóng tiền, cô vẫn không buồn mà tiếp tục dạy dỗ các em chu đáo. Những thầy cô giáo chân chính đó, đang bị “vạ miệng” trong việc DT”.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc- Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho rằng việc HS bậc trung học phải HT có nhiều nguyên nhân, đó là nội dung chương trình SGK còn quá nặng và có sự phân hóa cao trong thi cử… Để các em tự học, tự nghiên cứu là tốt nhưng không đáp ứng được các kỳ thi. PHHS mong muốn con em mình, sau khi tốt nghiệp trung học phải đậu được vào các trường ĐH hoặc CĐ…
Còn thầy Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP lưu ý: “Việc HTDT xảy ra với HS chuyển cấp và HS cuối cấp, do áp lực thi cử. Vấn đề DTHT, chủ yếu diễn ra với đối tượng HS tiểu học. Đấy chính là bức xúc của PHHS. Trong khi, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT qui định rõ: không cho phép DT nhưng GV vẫn “ép” HS của mình. Tuy nhiên, số GV này không nhiều.
GS.TS Trần Hồng Quân |
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung đồng quan điểm khi cho biết, sau những lần đến các quận- huyện khảo sát về vấn đề DTHT, đa số ý kiến của PHHS đều cho rằng chương trình nặng, học chủ yếu là lý thuyết. Khi đề thi ra thì nặng về thực hành nên phụ huynh phải cho con đi HT. Nhất là những PH có con chuẩn bị học hết lớp 5, sợ con không thi được vào những lớp chuyên, trường điểm…
Cơm áo không đùa với khách thơ
TS. Hồ Thiệu Hùng trăn trở: “Đối tượng phải tham gia việc DT nhiều nhất là thầy cô giáo của bậc tiểu học, nhiều thầy cô cho biết: nếu TP cấm DT, thầy cô xin hiệu trưởng cho dạy một buổi tại trường và một buổi đi làm thêm để kiếm tiền mưu sinh. Vì với mức lương xấp xỉ 3,4-4 triệu đồng/tháng, thầy cô giáo còn thua xa lương của người giúp việc trong các hộ gia đình. Đây là điều thực tế ai cũng thấy nhưng không ai nói.
GS.TS. Trần Hồng Quân cho biết: DTHT có hai nguyên nhân cơ bản, đó là nội dung chương trình và thu nhập GV. Đúng ra, nhà trường phải trang bị kỹ năng, phương pháp học và ý chí vươn lên cho HS nhưng thực tế cho thấy nhà trường lại quá tập trung vào giảng dạy lý thuyết mà thiếu thực hành; thiếu những hoạt động, môi trường, cảnh quan, CSVC cho HS… Thứ hai, như nhà thơ Xuân Diệu đã phải thốt lên “Cơm áo không đùa với khách thơ”- việc thầy cô phải đi làm thêm để kiếm sống. Đó là thiệt thòi cho giáo dục! TP phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
TS. Hồ Thiệu Hùng |
Thầy Hiếu cho biết thêm: “Trước những khó khăn trong thu nhập, đời sống của thầy cô giáo, Sở GD-ĐT đã kiến nghị với TP nhằm nâng cao thu nhập cho GV. Bình quân, trong 3 năm gần đây TP dành từ 24-28% ngân sách cho giáo dục, việc chăm lo cho đời sống thầy cô giáo, nhất là thầy cô giáo ở vùng sâu – vùng xa của TP rất được quan tâm. Tuy nhiên, toàn TP có trên 80.000 thầy cô giáo, khó có thể cải thiện ngay được thu nhập.
TS. Hồ Thiệu Hùng nhấn mạnh: “Nhìn nhận việc DTHT cần khách quan, có lộ trình và đặc biệt phải đặt mình là người trong cuộc. Có làm được vậy, mới hiểu được PHHS, thầy cô giáo đang cần và muốn gì? Tôi cho rằng nhằm giải quyết vấn nạn DTHT có 10 biện pháp nhưng được tóm lược trong 3 nhóm giải pháp: Bắt chước; thuần chuyên môn (lập đường dây điện thoại, giải đáp thắc mắc cho học trò. Lập website, truyền hình giải đáp thắc mắc cho PHHS, phụ đạo cho HS yếu kém và bồi dưỡng cho HSG…) và quản lý nhà nước (Lương GV phải bằng mức trung bình của người địa phương)”.
Không để dạy thêm học thêm tràn lan
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng: “Qua buổi “lắng nghe và trao đổi” hôm nay, bản thân tôi được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý GD cũng như quí thầy cô giáo và PHHS. Đây là những ý kiến rất tâm huyết, đầy trách nhiệm, bản thân tôi đồng thuận với những ý kiến này, đó là: phải đẩy mạnh công tác tự chủ- tự chịu trách nhiệm trong các nhà trường. Nếu ngành GD-ĐT TP thực hiện tốt được công việc này, sẽ góp phần tăng thu nhập cho giáo viên. Đồng hành cùng việc này, TP sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho GD-ĐT về trường lớp, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy- học, nhằm kéo giảm sỹ số HS/lớp và giúp ngành nâng tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày… qua đó góp phần giảm tải cho GV và HS”.
Bà Thu chia sẻ: “Hiện tại, khó tìm được sự đồng thuận giữa PH với nhà trường và giữa PH với thầy cô giáo. Việc cấm DTHT: Đó là cấm dạy trước chương trình. Cấm ép buộc học trò phải HT… Còn việc phụ đạo cho HS yếu để các em theo kịp chương trình hoặc tăng thời lượng cho các em HS có thời gian nghiên cứu- thực hành… TP không những không cấm, mà còn rất hoan nghênh việc này!”.
Thầy Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận: “DTHT có phần nguyên nhân là do chương trình học quá nặng, nếu chúng ta quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép nhiều chương trình về kỹ năng, hoạt động… cho HS, giảm tải cho HS mới thành công. Bên cạnh đó, công tác đánh giá- thi cử- kiểm tra, thầy cô giáo không thể đỗ lỗi cho chương trình bởi đây là việc nằm trong tầm tay của thầy cô giáo. Chính giáo viên phải có giải pháp đồng bộ, đi theo với việc không tổ chức DTHT trong nhà trường. Việc phụ đạo cho HS yếu, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho HSG, HS năng khiếu và những em có nhu cầu, TP khẳng định không cấm! Miễn là thầy cô phải có một tấm lòng chân thành, muốn gieo con chữ cho học trò của mình thật lành mạnh. Tôi tin, những khó khăn đó, tất cả thầy cô giáo đều giải quyết và vượt qua được”.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc- Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định |
Chia sẻ khó khăn về đời sống của giáo viên, bà Tâm chỉ đạo: “Chăm lo cho đời sống cho GV, từ những ý kiến tâm huyết của các vị khách mời…ngành GD-ĐT TP phải đẩy mạnh việc tự chủ- tự chịu trách nhiệm trong các trường học nhiều hơn nhưng tôi cũng lưu ý, ngành GD-ĐT phải phân biệt ra từng khu vực và có giải pháp khả thi cho những khu vực đang gặp khó khăn, khu vực ngoại thành, vùng xa- vùng sâu của TP. Có những chính sách phù hợp về vấn đề này”. Bà Tâm đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT cùng với toàn bộ hệ thống quản lý của mình, phải quản lý chặt chẽ các trung tâm DTHT có đủ điều kiện về CSVC, ánh sáng… đặc biệt, phải khống chế thời gian HTDT tại các trung tâm, nhằm tránh chuyện HS phải học đến nỗi “phờ phạc”, về đến nhà không còn muốn ăn cơm. TP và ngành GD-ĐT, phải tạo điều kiện để GV “tái tạo” lại sức lao động của mình, có thời gian đủ để thầy cô giáo bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng. Còn để thầy cô giáo vì lo “cơm áo” mà phải tổ chức DT, không còn thời gian để suy nghĩ những việc đó, thì không thể nói DT là tốt được.
“HTDT là một nhu cầu có thực của PHHS nhưng để HTDT tràn lan, trở thành một vấn đề “nhức nhối” cho một bộ phận không nhỏ PHHS, làm cho PHHS có cái nhìn không thiện cảm về nghề giáo. Đó chính là trách nhiệm của chính CBQL và đội ngũ thầy cô giáo. Chúng ta phải có giải pháp cụ thể, quản lý một cách hiệu quả hơn, cũng như trân trọng công sức của đội ngũ thầy cô giáo với sự nghiệp “trồng người”, bà Tâm kết thúc vấn đề.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)