Việc dạy thêm, học thêm dù rằng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng việc này đã tồn tại mấy chục năm nay như một nhu cầu tất yếu. Học sinh cần học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức, cũng như ôn luyện cho các kỳ thi tuyển sinh.
Nhìn vào đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập hay đề thi tốt nghiệp THPT sẽ thấy ngay đề thi có nhiều câu hỏi vận dụng “vượt tầm” nội dung trong sách giáo khoa, thậm chí đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Sở GD-ĐT TP.HCM còn “lệch” hẳn về các bài toán vận dụng thực tế mà nếu học sinh không đi học thêm bên ngoài sẽ khó đạt điểm tốt. “Vừa bước ra khỏi phòng thi thí sinh bật khóc vì đề toán khó”, “Thí sinh chỉ có 90 phút để làm bài thi gồm 50 câu trắc nghiệm, trong khi đó một giáo sư toán học cho biết ông phải mất hơn 2 tiếng mới giải được 5 câu khó nhất”… là những câu chuyện, góc nhìn đánh giá mức độ câu hỏi của đề thi. “Đã thi tuyển thì đề thi phải phân hóa” là luật “bất thành văn”, bất kể học sinh có được học các kiến thức đó hay không. Bên cạnh đó, việc dạy thêm cũng là công việc để kiếm thêm thu nhập cho giáo viên, khi mà mức lương cơ bản chưa đủ để trang trải nhu cầu cuộc sống, dẫn đến hệ lụy nhiều giáo viên phải xoay xở tìm “nghề tay trái”. Nhưng ngay cả lương tháng 50 triệu đồng thì giáo viên vẫn dạy thêm vì đây là công việc chính đáng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Những vấn đề đặt ra về lương tâm, trách nhiệm nhà giáo khi dạy thêm học sinh của mình, có những trường hợp cá biệt thầy cô ép buộc học sinh học thêm, hoặc thiên vị trong đánh giá học sinh… Cũng như có người còn nói cán bộ, công chức không được tham gia kinh doanh, nên cấm dạy thêm. Theo tôi tìm hiểu Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ vào các quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức không bị cấm thành lập hộ kinh doanh cá thể. Bởi vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp tư nhân hay các loại hình công ty khác.
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD-ĐT ban hành để lấy ý kiến. Dự thảo này có một số điểm mới như là xem việc dạy thêm là “kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường”, bỏ quy định “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa”; tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn chưa có nhiều thay đổi so với các quy định trước đây. Tại Điều 5 của dự thảo quy định “Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”. Và tại Điều 4 của dự thảo quy định “Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh”. Tôi cho rằng điều này không cần thiết, khó quản lý cũng như chồng chéo, cồng kềnh. Việc dạy thêm, học thêm phải nên xem là một ngành nghề từ nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh. Quản lý việc dạy thêm, học thêm nên đưa vào các quy định đăng ký cấp phép đối với hộ kinh doanh cá thể, với những cam kết đủ điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, nhưng thủ tục cần tinh gọn hơn việc xin giấy phép hoạt động của trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Thầy cô nào vi phạm các điều kiện đã cam kết thì đơn vị quản lý sẽ rút giấy phép có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn. Không nhất thiết bắt buộc thầy cô lập danh sách học sinh đăng ký học nhưng thầy cô sẽ cam kết chịu trách nhiệm với nội dung, chất lượng giảng dạy, tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo. Tôi đơn cử trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống cần cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm, chứ không cần thiết phải trình thực đơn để xin cấp phép. Nội dung này trong dự thảo có sự thay đổi từ “xin phép” sang “báo cáo” với hiệu trưởng, thay vì phải chờ đợi sự chấp thuận từ hiệu trưởng thì giáo viên chỉ cần báo cáo và tự chủ trong việc dạy thêm.
Các đơn vị, ban ngành cần quy định chặt chẽ cơ chế giám sát việc dạy thêm. Có thể nhà trường mở đường dây nóng hoặc các kênh thông tin để thu thập phản hồi từ học sinh và phụ huynh về chất lượng và hiệu quả của các lớp học thêm. Qua đó, nhà trường có thể đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đồng thời phải đảm bảo việc học thêm là hoàn toàn tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh. Giáo viên cần cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức ép buộc nào. Dự thảo cũng quy định: Không được cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình; không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh…
Đổi mới giáo dục bắt đầu từ người thầy và người thầy phải được sự tôn trọng ngay chính trong môi trường sư phạm. |
Tôi cho rằng việc dạy thêm cũng là một công việc đem lại giá trị xã hội, là nhu cầu kiếm thêm thu nhập chính đáng. Dạy thêm, học thêm không xấu, nhưng cần trong sáng. Những quy định đưa ra chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi người học, tránh những hành vi ép buộc, trái với đạo đức nhà giáo, cũng như vai trò quản lý của đơn vị trường học và các cấp lãnh đạo. Thầy cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc. Coi dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đảm bảo quyền lợi học sinh, giáo viên. Điều đó cần được tháo gỡ theo hướng đăng ký cấp phép kinh doanh cá thể, để giáo viên cam kết và tự chịu trách nhiệm. Không thể mãi luẩn quẩn trong cái vòng “quản không nổi thì cấm” mà “cấm cứ cấm, làm cứ làm”! Muốn ngăn chặn khía cạnh tiêu cực ở dạy thêm thì cần chăm lo để giáo viên có thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với nghề. Cùng với đó là cơ chế đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc để giáo viên được ghi nhận, khích lệ, đối xử tôn trọng và đúng với công sức, đóng góp của mỗi người. Cũng như để giảm áp lực học thêm, Bộ GD-ĐT cần loại bỏ các câu hỏi “sát thủ” trong đề thi tốt nghiệp THPT để dùng kết quả đó xét tuyển sinh ĐH. Đây là những câu hỏi có độ khó cao và sử dụng kiến thức ngoài sách giáo khoa nên được dùng để phân loại thí sinh. Tuy nhiên, những câu hỏi “sát thủ” không được dạy trên lớp được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy phụ huynh cho con đi học thêm.
Hiện nay với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên giảng dạy theo nhiều bộ sách giáo khoa thì người ra đề thi cần linh hoạt, bám sát các nội dung chương trình, tránh đặt ra những tình huống “việt vị” khiến cho học sinh mất niềm tin vào thầy cô. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc (toán, văn) và 2 môn thi tự chọn đang được trông đợi là bước đi đổi mới của ngành giáo dục. Đổi mới giáo dục bắt đầu từ người thầy và người thầy phải được sự tôn trọng ngay chính trong môi trường sư phạm.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)