Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy thêm ngoài trường: Khó kiểm soát

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm (DT-HT) trên địa bàn TP Hà Nội vừa được Sở GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến ở một số trường THPT, một số quận huyện của TP trước khi trình UNBD TP phê duyệt. Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, thời gian gần đây, dạy thêm học thêm đôi lúc trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận. 3 lý do để dự thảo này ra đời là áp lực của vấn đề này đối với học sinh và ngay cả giáo viên; liên quan đến đời sống kinh tế của từng giáo viên; đôi chỗ có biểu hiện không lành mạnh.
Trường dạy học 2 buổi/ngày không được tổ chức DT-HT
Trong dự thảo có nêu rõ nguyên tắc nội dung, phương pháp DT-HT phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, đặc điểm tâm sinh lý của người học, không dạy quá nhiều, quá sức tiếp thu của người học, đảm bảo quyền lợi của người học thêm và nêu cao trách nhiệm của người dạy thêm. Dự thảo cũng nêu ra một nguyên tắc khác là việc học thêm hay không học thêm là quyền của người học, mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Học sinh học thêm có đơn xin học thêm và phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu. Tuy nhiên, với nguyên tắc này, thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho rằng, ai sẽ là “trọng tài” đứng ra chứng kiến giữa người học và người dạy. Nếu người dạy có “ý kiến” trước thì “đố” người học nào không răm rắp nghe theo. Thầy Thắng ví như một vụ tai nạn giao thông. Để hòa giải giữa hai người, có cảnh sát giao thông. Còn ở đây, cần có sự giám sát của nhà trường.
Dự thảo cũng nêu ra các trường hợp không được DT-HT như đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày nhà trường và giáo viên không được tổ chức hoạt động DT-HT cho học sinh. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường. Không DT-HT cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp nhận quản lý ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh yếu kém; bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện kỹ năng đọc, viết cho học sinh đã được các cơ quan thẩm quyền cấp phép. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ không được thực hiện DT-HT theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đó…
Dạy thêm ở ngoài: khó kiểm soát
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe câu chuyện của thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Cách đây 4 năm, khi về nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng tại trường, thầy Thắng đã được nghe các giáo viên “tuyên bố”: Dạy thêm là mảnh đất riêng để các giáo viên canh tác. Ban giám hiệu đừng can thiệp vào. Thầy cũng đã thẳng thắn trả lời: Ai cũng biết đó là mảnh đất phần trăm của giáo viên nhưng không thể mang hoa anh túc về trồng trên đó được. Thầy cũng thấy một “hiện tượng lạ” khác ở trường đó là cứ hết năm học, lịch học của năm học mới được sắp rất sớm. Tìm hiểu, thầy mới thấy trong dịp hè, các giáo viên đều tìm mọi cách lôi kéo học sinh các lớp được dự định dạy để học thêm. “Sau đó, chúng tôi tổ chức dạy thêm trong trường. Không có hiện tượng dạy thêm bên ngoài nữa. Tôi nghĩ đó là điều may mắn” – thầy Thắng kể. Thầy cũng khẳng định, dạy thêm ở trường các giáo viên đều rất yên tâm. Thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội nêu ý kiến, trong quy định đối tượng tham gia dạy thêm, văn bản này còn “quên” đối tượng là giáo viên đã nghỉ hưu. Trong khi đó, việc quản lý đối tượng giáo viên này lại rất khó. Đặc biệt, thầy Trung nhấn mạnh công tác quản lý, xử lý vi phạm khi đi vào thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là dạy thêm ngoài nhà trường.

Thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện DT-HT đối với học sinh: học sinh tiểu học học không quá 2 tiết/buổi, không quá 2 buổi/tuần. Học sinh THCS không học quá 2 tiết/buổi và không quá 3 buổi/tuần. Học sinh THPT không quá 3 tiết/buổi và không quá 3 buổi/tuần. Số học sinh mỗi lớp học thêm không quá 45 người. Riêng bậc tiểu học, mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh.

Điều kiện về cơ sở vật chất và lớp học phải ổn định, có đủ diện tích (bảo đảm mỗi học sinh có tối thiểu 0,8m2, khu vực giáo viên giảng dạy 4m2).
Trước đây, Hà Tây cũ cũng đã có văn bản quy định về DT-HT. So với văn bản mới này, ông Nguyễn Thành Kỳ cho rằng có hai khác biệt lớn nhất. Đó là trong văn bản mới. Việc cấp phép cho thầy cô dạy thêm ngoài Sở GD-ĐT còn được phân cấp cho các phòng giáo dục, còn ở Hà Tây cũ là do sở GD-ĐT cấp. Điểm khác biệt thứ hai là thu kinh phí dạy thêm ở văn bản của Hà Tây cũ được quy định cứng là 1.300đ/tiết. Trong khi đó ở văn bản dự thảo mới vấn đề này được quy định mở. Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng nên có một khung nhất định để các trường vận dụng.
Sau khi được các trường, các phòng giáo dục quận huyện góp ý, văn bản này sẽ được chỉnh sửa và trình lên UBND TP phê duyệt. Trong thời gian đó, văn bản cũ của Hà Nội vẫn có hiệu lực.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)