Đưa tiếng Nhật, Đức, Trung… vào giảng dạy trong một số trường học là hoạt động được ngành giáo dục TP.HCM duy trì từ nhiều năm. Mặc dù chương trình chưa triển khai đại trà như tiếng Anh, tiếng Pháp song những thứ tiếng này đã và đang đáp ứng phần nào nhu cầu người học.
HS học tốt các kỹ năng
Đầu năm 2015, hơn 60 HS lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa học tiếng Đức với trình độ A2 cấp châu Âu sau 3 năm học. Thầy Phạm Quốc Việt (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, so với tiếng Anh, học tiếng Đức khó hơn nhưng năng lực HS đạt được rất tốt, các em luôn thể hiện sự đam mê, nỗ lực. Việc học tiếng Đức không dừng lại ở cấp 3, nhiều em đã lựa chọn du học ngành này rèn luyện, nâng cao hơn nữa. Mặt khác, những HS học thêm tiếng Đức hoặc thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh như Pháp, Nhật… thì môi trường học tập, phát triển nghề nghiệp sau này luôn rộng mở, thuận lợi. Đa số các em giành học bổng hoặc lựa chọn đến các quốc gia này học chuyên sâu về khoa học, kỹ thuật… mà các em đam mê, có năng khiếu”.
Hiện tại Trường Trần Đại Nghĩa giảng dạy tiếng Đức như một ngoại ngữ thứ 2 với khoảng 150 HS cấp 3 theo học. Năm học 2015-2016, trường mở rộng thêm 2 lớp 6. Theo thầy Việt, phụ huynh hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho con em học ngoại ngữ này.
Bên cạnh dạy tiếng Đức nói trên, nhiều trường TH, THCS, THPT trên địa bàn TP ở các quận như quận 1, 3, 4, 5, 6… còn giảng dạy tiếng Nhật, tiếng Trung. Mỗi khối thực hiện từ 1 đến 3 lớp, mỗi lớp trên 40 em. Một số trường như THCS Lê Quý Đôn (Q.3), THCS Võ Trường Toản (Q.1) đưa tiếng Nhật, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 vào giảng dạy. Các trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Trưng Vương, THPT Marie Curie đưa tiếng Nhật. Còn các trường THPT Hùng Vương, THPT Trần Khai Nguyên, THPT Trần Quang Khải, THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì thực hiện tăng cường tiếng Trung.
Cần tạo ra các mối liên kết quốc tế
So với giảng dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, giảng dạy các ngoại ngữ trên cũng đòi hỏi sự đáp ứng về chương trình, tài liệu, đội ngũ GV, cơ sở vật chất… Mọi điều kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra cũng như thu hút số lượng đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị trường học đang giảng dạy lại gặp một số khó khăn nhất định.
Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) đang giảng dạy 4 lớp tiếng Nhật với khoảng 180 HS nhưng chỉ có 1 GV Việt Nam kiêm nhiệm. Đầu năm học 2015-2016, nhà trường tuyển thêm được 1 GV nhưng GV này chỉ dạy đúng 1 tháng thì xin nghỉ. Thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Việc tuyển dụng GV hết sức khó khăn, mặc dù yêu cầu người được tuyển dụng chỉ cần tốt nghiệp ĐH, chuyên ngành tiếng Nhật và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”.
Riêng đối với GV bản ngữ thì lại càng gian nan hơn. Trường THCS Võ Trường Toản may mắn nhiều năm nay vẫn được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản hỗ trợ GV bản ngữ sang giảng dạy một số tiết trong tuần. Tuy nhiên, để ổn định lâu dài và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhà trường muốn tuyển hẳn 1 GV người Nhật song vẫn chưa thể tuyển được. Nguyên nhân do người được tuyển dụng thiếu chuyên môn, trình độ, giấy phép lao động… cũng chính khó khăn này, những năm trước, trường tuyển sinh được 8 lớp thì nay còn 4 lớp.
Cô Võ Ngọc Thu – nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 – chia sẻ: Để duy trì, phát triển giảng dạy các ngoại ngữ trên, ngành giáo dục thành phố cần tạo ra các mối liên kết quốc tế để có sự trao đổi, hỗ trợ về chương trình, nguồn lực. TP.HCM là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, không khó để thực hiện điều này, đặc biệt Sở GD-ĐT có thể đứng ra làm cầu nối. Nếu như tiếng Đức, Nhật… được chú trọng giảng dạy bên cạnh tiếng Anh thì nguồn lao động trong tương lai không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển cuộc sống mà còn đáp ứng xu thế hội nhập.
Trinh Ngọc
Bình luận (0)