Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy tiếng Anh cho HS lớp 3 tại Đà Nẵng: Khó khăn là ở khâu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Môn học tiếng Anh đã trở thành môn học yêu thích của học sinh tiểu học ở Đà Nẵng từ nhiều năm qua
Bắt đầu từ tháng 10-2010, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đã đưa chương trình dạy thí điểm cho học sinh khối lớp 3 vào dạy thí điểm tại 4 trường tiểu học trên địa bàn thành phố theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Đến nay, chương trình đã đi qua gần một năm học, bên cạnh chuyển biến tích cực còn có nhiều vấn đề cấp thiết nảy sinh cần sự cộng lực từ nhiều phía trước khi đưa môn học này dạy đại trà vào năm học 2011-2012…
Bấy lâu, nói đến việc tăng tiết, tăng môn học cho bậc tiểu học, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về việc con em họ phải gánh trên vai một chương trình quá nặng. Nhưng đối với môn học tiếng Anh, đây lại là một cơ hội cho nhiều con em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học hành mà gia đình không phải “gánh” thêm khoản lệ phí không nhỏ để cho con em mình học thêm ở các lò luyện ngoại ngữ.
Phụ huynh phấn khởi
Chị Ngô Ái Liên, một phụ huynh có con học tại Trường Huỳnh Ngọc Huệ chia sẻ: “Vợ chồng tôi là công nhân, thu nhập hàng tháng tính ra chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt và cho hai cháu đến trường cũng rất eo hẹp. Sợ con mình thua chúng bạn nên dù khó khăn đến mấy hai vợ chồng cũng bàn nhau cho cháu đến lò luyện thêm tiếng Anh. Bây giờ nhà trường đưa hẳn môn học này vào chương trình học, tôi cũng rất mừng vì như vậy con mình có thể học được ngoại ngữ và gia đình bớt đi được một khoản chi phí trong thời buổi khó khăn”.
Còn anh Huỳnh Hữu Đức, một phụ huynh có con học tại Trường Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) lại cho biết: “Sau giờ học ở lớp về nhà cháu rất hứng khởi học tiếng Anh. Theo tôi nghĩ, việc đưa tiếng Anh vào dạy đại trà cho học sinh lớp 3 là rất tốt, nếu như nhà trường bố trí thời gian hợp lý thì việc thêm một môn học bổ ích như thế sẽ không quá tải”.
Theo đánh giá của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, một trong 4 trường được chọn dạy thí điểm chương trình tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trong năm học 2010-2011, sau khi họp phụ huynh sơ kết học kỳ I, đa số phụ huynh đều tỏ ra hài lòng; học sinh rất thích thú khi được học chương trình mới này. Qua kiểm tra chất lượng môn Anh văn học kỳ I, trường có 221 học sinh khối lớp 3, trong đó 62,9% đạt giỏi; 25% đạt khá, còn lại trung bình, không có học sinh yếu kém.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, qua thời gian thực hiện thí điểm chương trình dạy học bắt buộc môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, cho thấy chất lượng dạy và học môn tiếng Anh có nhiều chuyển biến đáng kể. Với chương trình tiếng Anh mới này, học sinh được rèn luyện bài bản hơn các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. “Sau khi thực hiện thí điểm tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 sẽ được Phòng GD-ĐT triển khai đồng đều tại các trường tiểu học khác trên địa bàn quận”, ông Nghĩa tiết lộ.
Theo cô Vương Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, với chương trình tiếng Anh bắt buộc này, học sinh có điều kiện tiếp xúc với giáo viên, với tiếng Anh được nhiều hơn chương trình tự chọn trước đây. Vì đây là môn học chính khóa, nên sẽ tạo tâm lý cho các em xem môn tiếng Anh như những môn học chính khóa khác. Qua một thời gian dạy thí điểm, cho thấy học sinh học tập rất sôi nổi, thích thú hơn so với chương trình tiếng Anh tự chọn. Nhất là sau khi học môn học này, học sinh rất tự tin trong giao tiếp. Kết quả bước đầu có thể khẳng định việc đưa tiếng Anh vào dạy đại trà là điều cần để bổ sung kỹ năng, kiến thức cho thế hệ tương lai.
Cần có biện pháp triển khai đồng bộ
Cũng theo cô Vân, để chương trình thành công, ngành giáo dục cần có nhiều biện pháp đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn lực con người và chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ giáo viên chuyên tâm với nghề.
Một vấn đề nảy sinh trong thời gian qua là yêu cầu chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học. So với các địa phương khác, học sinh tiểu học ở Đà Nẵng có cơ hội tiếp xúc với môn học tiếng Anh từ gần 10 năm nay, ngành GD-ĐT thành phố đã triển khai chương trình dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh tiểu học, nên đã sẵn có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học khá đầy đủ. Tuy vậy, điều đáng quan tâm là hiện nay, những giáo viên đạt điểm TOEFL từ 400 điểm trở lên (theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT) để đảm nhận việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 không nhiều. Thống kê của Phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, trong đợt thi lấy điểm TOEFL vừa qua, chỉ có 1 trong tổng số 34 giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường trên địa bàn quận đạt chuẩn.
Trong khi yêu cầu về giáo viên đạt chuẩn chưa đáp ứng được thì vấn đề kinh phí trả lương cho giáo viên đứng lớp còn nhiều bất cập. Mức lương của các giáo viên tính theo lương hợp đồng, chỉ khoảng 400.000-500.000 đồng/ tháng, từ tiền thu phí học ngoại khóa 3-4 ngàn đồng/ tháng/ học sinh. Mức này, chênh lệch hẳn so với mức lương của giáo viên các bộ môn bắt buộc trong chương trình, được nhận lương theo biên chế.
Để tháo gỡ vấn đề này, ngành GD-ĐT các quận có điểm trường dạy thí điểm tiếng Anh như Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Thanh Khê đã chỉ đạo giáo viên nỗ lực hơn trong chuyên môn để đạt chuẩn. Mặc dù việc tuyển người có trình độ TOEFL đạt chuẩn không thiếu, nhưng các trường vẫn ưu tiên các giáo viên lâu nay vẫn phụ trách bộ môn tại các trường. Do họ là những người đã có kinh nghiệm sư phạm lâu năm, và lâu nay vẫn gắn bó với nghề, với học sinh, dù mức lương hợp đồng trước đây quá thấp.
Theo một số ý kiến cho rằng, để đưa được môn học tiếng Anh vào dạy học đại trà trong chính khóa, nên chăng ngành giáo dục cần có chính sách ưu đãi cho giáo viên, tập huấn dạy học, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện có và ngay từ bây giờ phải có hướng đào tạo trình độ bằng TOEFL cho lớp sinh viên đang theo học tại các trường ĐHSP như một yêu cầu bắt buộc. Khi đã có một quy trình, phương pháp cũng như có được những yếu tố nền tảng hợp lí thì dù tiếp cận với bất cứ sự đổi thay nào về mặt nội dung chương trình, người giáo viên và học sinh đều có thể có những sự thích ứng linh hoạt, hiệu quả mà không nặng nề, quá tải.n
Bài, ảnh: Phan Lệ

Bình luận (0)