Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy tiếng Anh ở trường phổ thông: Yếu kỹ năng, thiếu linh hoạt

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1)
Dạy học luôn đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng, phương pháp; đối với môn tiếng Anh càng đòi hỏi chi tiết hơn, đa dạng hơn. Bởi vậy, nếu không trau dồi kỹ năng dạy học từ khi còn trên ghế giảng đường hay ngay cả khi đã đứng lớp, giáo viên (GV) sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giảng dạy môn này.
Tiết học chưa linh hoạt
Ở mỗi môn học, ngoài tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu thường quan sát phương pháp giảng dạy của GV qua các tiết dự giờ để từ đó có những góp ý, điều chỉnh giúp GV thực hiện việc giảng dạy tốt hơn. Từ thực tế đó, lãnh đạo nhiều trường học cho rằng GV môn tiếng Anh, đặc biệt là những GV mới còn lúng túng trong phương pháp giảng dạy.
Thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Qua nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy hầu hết GV ngoại ngữ mới về trường công tác đều chuẩn về chuyên môn, trình độ nhưng lại chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống, lúng túng trong việc hướng dẫn, vận dụng CNTT vào dạy học… Vì thế, tiết dạy môn tiếng Anh của nhiều GV mới chưa xây dựng được tính tích cực, chủ động để học sinh tiếp nhận kiến thức, làm giảm không khí hào hứng trong tiết học”. Trong khi đó, thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh), lại chia sẻ: “Tôi từng dự giờ của nhiều GV dạy môn tiếng Anh, kể cả GV người nước ngoài. Tôi thấy phương pháp dạy tiếng Anh của người nước ngoài rất linh hoạt, thoải mái trong phong cách, chú trọng đến tính thực tiễn, gần với cuộc sống. Chẳng hạn, tiết dạy còn thể hiện qua các bài hát, họ nhún nhảy theo nhịp điệu nên lớp học rất sinh động, GV và học sinh gần gũi với nhau. Trong khi đó, GV người Việt còn đặt nặng phong cách người thầy phải thật nghiêm túc trước học sinh nên nhiều tiết dạy, họ không làm được như vậy, dẫn đến không khí lớp học khó sinh động, thoải mái. Hơn nữa, GV đến từ mỗi tỉnh/thành khác nhau nên một số người phát âm theo giọng địa phương, điều này dẫn đến thực trạng là học sinh học ở trung tâm GV phát âm khác, khi về trường GV lại phát âm theo cách khác…”.
Ngoài những nguyên nhân trên, một vị hiệu trưởng (xin được giấu tên) phân tích: “Phương pháp dạy tiếng Anh của chúng ta hiện nay đang đi ngược với thế giới. Dạy ngoại ngữ nào thì GV phải thành thạo các kỹ năng như nói, đọc, viết, đặc biệt là nghe ở ngoại ngữ đó nhưng thực tế trong kỳ thi chứng chỉ B2 chuẩn châu Âu thì đa số GV lại rớt ở phần nghe. Thực tế giữa đào tạo và dạy học còn có khoảng cách, đa số sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh về trường đảm nhận công tác còn lúng túng khi trao đổi với người nước ngoài”.
Thừa nhận thực tế này, TS. Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Việt Mỹ, cho hay: “Tôi tin chắc rằng, một sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh không được cọ xát đầy đủ và chưa được trang bị kỹ năng đứng lớp một cách thiết thực nhất. Vì vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp không được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Thay vì được giao lớp giảng dạy, họ lại được tuyển vào vị trí quản lý học viên, trợ giảng, thậm chí là nhân viên tư vấn chương trình học”.
Cần nâng cao kỹ năng tự học
Thực tế giữa đào tạo và dạy học còn có khoảng cách, đa số sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh về trường đảm nhận công tác còn lúng túng khi trao đổi với người nước ngoài.
Để được cọ xát và có kỹ năng dạy tiếng Anh hiệu quả nhất, theo đánh giá của nhiều GV có kinh nghiệm lâu năm, người dạy phải tự rèn luyện, tự nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng cần phải học, trao đổi kinh nghiệm thêm.
Cô Nguyễn Thị Bê, giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của Trường ĐH Hoa Sen, nói: “Là một GV, việc tự học, tự rèn luyện là điều kiện cần thiết. Đặc biệt, đối với bộ môn tiếng Anh, GV cần tự tích lũy vốn liếng và chọn phương pháp dạy học thiết thực nhất để giảm thời lượng truyền đạt một chiều và tăng thời  lượng làm việc, thực hành cho học sinh”.
Đối với những GV mới ra trường, thầy Nguyễn Văn Vượng chia sẻ: “Trong thời gian đào tạo ở trường ĐH, các em được kiến tập nhưng thời gian kiến tập không nhiều để tích lũy cho mình các kỹ năng dạy học một cách tốt nhất. Vì vậy, đối với những GV trẻ, trong thời gian thử việc nên tích cực tham gia các tiết dự giờ của GV đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Với những GV tốt nghiệp cử nhân Anh văn, không phải ngành sư phạm thì nhất thiết phải học qua lớp nghiệp vụ sư phạm mới có thể đảm nhận lớp học. Ngoài ra, việc tham gia các lớp bồi dưỡng hay hội thảo do ngành giáo dục tổ chức cũng là một trong những biện pháp giúp GV không chỉ môn tiếng Anh mà các môn học khác tiếp nhận được những phương pháp dạy học mới”.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Tăng cường triển khai dạy và học ngoại ngữ
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo Bộ GD-ĐT, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã triển khai được gần 4 năm (2011-2014); tính đến hết năm học 2013-2014 đã có 53 tỉnh/thành có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc triển khai các nhiệm vụ của đề án và chương trình còn chậm, bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Phương thức bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông chưa phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học; còn lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng theo hình thức vừa làm vừa học, không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên chưa đạt yêu cầu…
Để khắc phục những hạn chế và bất cập nêu trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường tập trung hoàn thành công tác rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ phù hợp; lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên đảm bảo chất lượng…
Theo chinhphu.vn
 
 

Bình luận (0)