Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy tiếng Anh trong trường tiểu học: Sĩ số quá đông, học phí lạc hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học TA tăng cường với GV bản ngữ của HS Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1)

Trình độ đội ngũ giáo viên (GV), điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí là những yếu tố quyết định chất lượng dạy và học tiếng Anh (TA) trong nhà trường. Tuy nhiên đến nay không ít quận – huyện, trường lớp vẫn còn gặp khó khăn…
Đó là nội dung được đưa ra tại chuyên đề TA: “Giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy TA bậc tiểu học” do Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Trực tuyến DTP (DTP online) tổ chức vừa qua.
Khó chồng khó
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT thì từ nay đến năm 2015, TA giảng dạy bắt đầu từ lớp 1 trong các trường tiểu học chỉ còn 2 chương trình: TA theo đề án của Bộ GD-ĐT và TA tăng cường, đồng nghĩa TA tự chọn sẽ không còn.
Về việc thực hiện lộ trình đề án TA của bộ thì năm học 2012-2013, TP sẽ có 25% HS lớp 1 được học, năm học 2013-2014 là 50% và đến năm học 2015-2016 là 100%. Nhưng kết quả thực hiện năm học 2012-2013 mới chỉ đạt khoảng 20%. Cụ thể với tổng số hơn 100.000 HS lớp 1 thì mới có khoảng 19.000 em được học, số trường tham gia đông nhưng số lớp lại ít. Trong số 24 quận, huyện thì còn 3 quận Bình Tân, Phú  Nhuận và Q.6 mới đang quá trình chuẩn bị. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, băn khoăn: “Việc thực hiện chậm trễ như thế này thì chúng ta khó mà đạt mục tiêu của đề án”.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, chương trình TA theo đề án không thu học phí ảnh hưởng đến việc tuyển, giữ chân GV, mua trang thiết bị, làm đồ dùng dạy học… Một GV tại Q.6 chia sẻ: “Đội ngũ GV thiếu nhiều, trong khi dạy học TA theo đề án không được thu phí từ HS, như vậy sẽ khó thu hút và tuyển GV. Nhà trường chỉ thực hiện khi các cấp trên chuyển GV về chứ nhà trường không thể bỏ tiền thuê GV. Đây là một trong những khó khăn khiến Q.6 chưa thể thực hiện kịp so với các quận – huyện khác”.
Để có tiền làm đồ dùng dạy học, bồi dưỡng GV… một số trường lấy phí thu từ TA tăng cường, phần trăm từ các phần mềm trích lại để “đắp đổi” chi sang TA đề án, như Q.4 đã làm hiện nay.
Nói về kinh phí giảng dạy, nhìn vào phí thu chương trình TA tăng cường, nhiều người cho rằng khoản thu quá lạc hậu. Thực hiện từ năm 1998 đến nay đã 14 năm nhưng vẫn giữ nguyên mức thu 50 ngàn đồng/HS/tháng. Thử nhân lên một lớp khoảng 35 HS thì khoản tiền chưa đầy 2 triệu đồng. Chưa kể, nhiều trường chỉ dám sử dụng 50% để trả lương, còn lại phải bù đắp sang các hoạt động khác.
Ngoài ra, đến nay việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho GV được sở thực hiện rốt ráo vì đây là yếu tố quyết định lớn đến chất lượng dạy – học. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương chia sẻ thì kết quả đạt được thực sự chưa cao. Bên cạnh đó, trường lớp chật hẹp, sĩ số đông cũng là vấn đề nan giải. Tại một số quận như: Q.12, Gò Vấp, Bình Tân… sĩ số lên đến 50, thậm chí hơn 50 HS/lớp. Đơn cử Trường TH An Hội (Q.Gò Vấp), sĩ số 50 HS/lớp khiến trường phải chia đôi để dạy. “Tình trạng vượt chuẩn quy định là 35 HS/lớp sẽ gây khó khăn cho việc phân bổ lớp học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy – học”, ông Nguyễn Hoài Chương thừa nhận. 
Các trường phải linh động
Có thể nói, việc giải quyết mọi khó khăn trên trong chốc lát thì không thể thực hiện. Vì thế việc đòi hỏi các quận – huyện, các trường lớp linh động sẽ góp phần giải quyết khó khăn, nâng cao chất lượng. Ông Lê Ngọc Điệp chia sẻ: “Để có kinh phí thực hiện, các trường cần linh động. Như có thể sử dụng phần trăm phí do các chương trình phần mềm trích lại bồi dưỡng cho GV, làm đồ dùng dạy học, tổ chức hoạt động. Ưu tiên cho GV đạt chuẩn, cụ thể GV đạt chuẩn được dạy 18 tiết/tuần và hưởng lương theo chế độ trường chuyên. Hay nếu trường lớp nào thiếu phòng, đông HS thì có thể chia đôi ra giảng dạy. Làm sao để thu hút, giữ chân GV còn HS có điều kiện học tốt nhất”. Cô Nguyễn Ngọc Huệ, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3) cho biết: “Nhà trường trích tiền phần trăm từ các phần mềm hỗ trợ để lại, các khoản tiết kiệm của nhà trường để trang trải việc làm đồ dùng dạy học, tổ chức các hoạt động cho các em và bồi dưỡng thêm cho GV vào dịp cuối năm”.
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Lê Ngọc Điệp yêu cầu: Chất lượng GV là vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu. Để GV có điều kiện nâng chuẩn, hiệu trưởng các trường cần tạo điều kiện cho GV có thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng. Hiện nay theo sự phản ánh của một số GV thì vẫn còn hiệu trưởng chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng GV ở đâu, kết quả ra sao. Thay vào đó yêu cầu GV phải hoàn thành việc trường rồi mới đến việc bồi dưỡng. Nếu GV không được nâng chuẩn thì chất lượng dạy – học khó mà nâng cao.
Mặt khác, tình trạng thực hiện giảng dạy TA theo đề án của bộ tại một số quận – huyện chưa nghiêm túc. Trong những kế hoạch giảng dạy mà các quận – huyện chuyển về sở thì chỉ có số ít quận – huyện đưa ra kế hoạch rõ ràng về TA theo đề án. “Nếu thực hiện như thế này thì nội năm học 2013-2014 khó mà thực hiện 50% HS lớp 1 được học TA theo đề án. Đây là nhiệm vụ chính trị, phải có tổng kết, đánh giá, nhận xét, khen thưởng nên các quận – huyện cần thực hiện nghiêm túc. Nếu không hoàn thành thì có thể bị cắt thi đua thành tích cuối năm”, ông Điệp nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị: “Để các chương trình thực hiện có hiệu quả thì Phòng Giáo dục tiểu học cần thống kê, đánh giá kết quả, vạch ra kế hoạch thực hiện cho các bước tiếp theo một cách cụ thể, tạo ra một lộ trình rõ ràng để có bước đi cơ bản”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)