Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy tiếng Việt cho học sinh người Hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã định cư và hòa nhập với cộng đồng người Việt lâu đời nhưng bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc Hoa (gọi chung là người Hoa) vẫn được lưu giữ. Học sinh người Hoa đến trường học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 nên các em còn những hạn chế và chưa chuẩn xác trong phát âm nhất là trong đọc, viết.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5 (TP.HCM) – trường có nhiều học sinh người Hoa

Những hạn chế này cần được khắc phục để giúp các em đọc, viết đúng chính tả tiếng Việt ngay từ khi mới bước vào lớp 1.

Những lỗi phổ biến nhất

Theo “điều tra” của nhóm sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học khóa 18 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại 3 trường tiểu học ở Q.5 (TP.HCM), kết quả cho thấy, về kỹ năng đọc lưu loát các em vẫn có hạn chế như nhầm lẫn và phát âm sai các phụ âm đầu (trong/chong, sinh/xinh) dấu thanh (cũ/củ, những/nhửng), âm đệm, âm chính (xòe/xè, tòa/tò)… Từ đây, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: kỹ năng đọc thành tiếng của học sinh lớp 1 người Hoa có những ảnh hưởng đáng kể từ nghề nghiệp của phụ huynh, từ việc học thêm của các em. Theo đó, cha mẹ làm nghề gì thì ảnh hưởng đến cách phát âm, dùng từ cho con cái trong giao tiếp hàng ngày. Việc học thêm ở mỗi nhóm trẻ cũng ảnh hưởng đến sự định hình ban đầu trong cách phát âm và dùng từ của các em trước tuổi vào lớp 1. Về kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng đọc của các em yếu hơn học sinh người Kinh từ tốc độ đến kỹ năng nắm nội dung văn bản. Điều này có cơ sở vì tiếng Hoa vẫn là tiếng mẹ đẻ của các em trong lúc tiếng Việt được coi như ngôn ngữ thứ hai.

Xét về nguyên nhân, PGS. Trương Dĩnh (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế)  đánh giá, do hạn chế về mặt thời gian trong quá trình dạy học dẫn đến người dạy chưa thể quán triệt đặc điểm dân tộc và dạy học cá thể hóa trong dạy học tiếng Việt. Nhất là đối với giáo viên người Kinh lại càng khó khăn hơn trong dạy cho học sinh người Hoa. Từ nhỏ, các em đã sống trong môi trường tiếng Hoa và chỉ làm quen với tiếng Việt qua nghe, nói nên đến khi bước vào môi trường học tập ở giai đoạn mầm non và lớp 1 thì các em gặp không ít khó khăn, vì tiếng Hoa và tiếng Việt có khá nhiều điểm khác nhau về mặt phát âm lẫn chữ viết.

Về kỹ năng viết, qua 3 khảo sát về kỹ năng viết chữ, viết chính tả, viết sáng tạo, các em đạt yêu cầu về kỹ năng viết chữ theo dạng tập viết. Tuy nhiên về kỹ năng viết chính tả thì lại đạt kết quả chưa tốt. Đó là các lỗi phổ biến về dấu thanh (ngẩm/ngẫm), phụ âm đầu (ghế/gế), phụ âm cuối (cau/cao).

Cần có chương trình biên soạn hỗ trợ

Từ hệ thống lỗi trên cho thấy học sinh người Hoa cũng mắc những lỗi sai như học sinh người Kinh, nhất là những em viết sai theo phát âm địa phương vùng miền. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha (Khoa Tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nguyên nhân là do chữ viết tiếng Việt là một chữ viết ghi âm, về cơ bản đọc thế nào viết thế ấy. Bà Ly Kha đề xuất, để giúp học sinh người Hoa viết đúng chính tả cần chú trọng rèn cho các em nắm quy tắc chính tả, cần phải chú ý các bài tập chính tả phương ngữ, mở rộng vốn từ để giúp các em viết đúng các trường hợp chính tả phương ngữ. Học sinh người Hoa học lớp 1 gặp không ít khó khăn trong việc hình thành và rèn luyện kỹ năng đọc, viết tiếng Việt. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, phần lớn những lỗi mà các em mắc phải bắt nguồn từ các nguyên nhân như ảnh hưởng từ phương ngữ, từ cách phát âm tiếng mẹ đẻ, ảnh hưởng từ môi trường sử dụng ngôn ngữ và ảnh hưởng gia đình.

Qua khảo sát thực trạng và kết quả thực nghiệm, nhóm sinh viên đã đúc kết: Thứ nhất, kỹ năng đọc viết tiếng Việt của không ít học sinh người Hoa học lớp 1 chưa đạt chuẩn tối thiểu. Thứ hai, học sinh người Hoa thường mắc lỗi chính tả do ảnh hưởng của phương ngữ Nam bộ như học sinh người Kinh. Thứ ba, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp của phụ huynh có ảnh hưởng khá quan trọng đối với chất lượng học tập của học sinh lớp 1. Do đó, nhóm đề xuất cần có chương trình biên soạn hỗ trợ đọc, viết tiếng Việt cho học sinh lớp 1 người Hoa. Các bài tập này dựa trên lỗi mà học sinh thường mắc phải. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng viết sai chính tả, viết sai theo phát âm để có sự thống nhất trong việc dạy, rèn luyện kỹ năng đọc, viết cho học sinh lớp 1 người Hoa tại TP.HCM nói riêng và học sinh tiểu học nói chung ở các địa phương khác.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)